Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tạm ứng vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).
Theo đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương với số tiền là 2.158,5 tỉ đồng để thanh toán nợ đọng cho các nhà thầu nước ngoài; hạn chế phát sinh khiếu kiện và tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết.
Để hoàn thành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM đã phải nhiều lần kiến nghị tạm ứng vốn.
UBND TP khẳng định sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ Kế hoạch Đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho dự án.
Trong trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng cho dự án, UBND TP kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho UBND TP được thực hiện tạm ứng từ ngân sách TP với số tiền 2.158,5 tỉ đồng
Lý giải việc tạm ứng này, UBND TP cho biết, theo kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, dự án được bố trí 7.500 tỉ đồng so với nhu cầu đăng ký là 20.500 tỉ đồng, số còn lại đã được bố trí trong năm 2016 và 2017 là 2.709 tỉ đồng. Riêng năm 2018 và 2019, do vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên số vốn còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn đã không được bố trí.
Trong kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 của Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự án metro số 1 vẫn không được bố trí vốn.
Trong bối cảnh khó khăn nêu trên, để đảm bảo tiến độ thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, Chủ đầu tư đã đề nghị UBND TP xem xét việc tạm ứng từ ngân sách TP với số tiền tạm ứng đợt 1 năm 2019 là 2.158,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định hiện nay về tạm ứng vốn đầu tư, dự án metro số 1 chỉ được tạm ứng từ ngân sách Trung ương, không đủ điều kiện để tạm ứng từ ngân TP.
Ngoài kiến nghị tạm ứng vốn, UBND TP.HCM cũng kiến nghị với Thủ tướng giao UBND TP thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Được khởi công vào cuối tháng 8-2012, tuyến Metro số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện, công trình đã hoàn thành được 63% khối lượng.
Tuy thời gian qua dự án gặp nhiều rắc rối như: Phó BQL đường sắt đô thị tự ý đi nước ngoài khi chưa được phép, thay trưởng BQL đường sắt đô thị, khủng hoảng nhân sự, dự án cũng liên tục rơi vào cảnh thiếu vốn... Nhưng các vấn đề này hiện cơ bản được giải quyết và TP đang quyết tâm để dự án về đích đúng tiến độ vào năm 2020.