Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản hối thúc các khu quản lý giao thông đô thị triển khai ngay các biện pháp kỹ thuật, tổ chức lại giao thông để xóa 16 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT) cũ và ba điểm mới phát sinh từ đầu năm 2019. Vậy giải pháp khắc phục ba điểm đen mới phát sinh này là gì?
Quay xe ngay điểm đen càng thêm… “đen”
Điểm đen 1: Ngã ba Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng nằm ngay đầu đường dẫn lên cầu Khánh Hội, theo hướng từ quận 1 sang quận 4.
Cạnh đó, trước khi lên cầu Khánh Hội là điểm giao cắt của dòng xe đi thẳng từ đường Tôn Đức Thắng chuyển sang đường Võ Văn Kiệt với dòng xe từ đường Hàm Nghi rẽ phải ra. Các dòng xe đi thẳng, chuyển hướng và rẽ phải cùng gặp nhau ở hợp điểm ngã ba này tạo ra vùng giao cắt lớn, xung đột giao thông...
Một xe tải chở rác quay đầu ở đầu ngã ba Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng (trên nền đường có vẽ mũi tên cho phép quay đầu). Ảnh: LƯU ĐỨC
“Chỉ cần một taxi từ đường Hàm Nghi nhú đầu để lên cầu Khánh Hội là “cắt mặt” ngay dòng xe đang đi thẳng hoặc chuẩn bị chuyển hướng sang đường Võ Văn Kiệt là dễ va quẹt nhau, rất nguy hiểm!” - Trung úy Huỳnh T., Đội CSGT Bến Thành, cho biết.
Đã vậy, ngay đầu ngã ba Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng lại là điểm cho phép ô tô, xe máy từ hướng chợ Bến Thành ra bờ sông được quay đầu ngược lại. Dòng xe quay đầu đi ngược và trái với chiều của dòng xe đi thẳng trên đường Tôn Đức Thắng càng làm giao thông qua đây thêm xung đột, nguy hiểm.
=> Hướng khắc phục: Theo ông Trịnh Linh Phương, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1), thực hiện chỉ đạo của Sở, trước mắt Khu 1 sẽ nghiên cứu gọt bớt các dải phân cách ở đầu điểm quay đầu ở mũi đường Hàm Nghi để nơi đây rộng hơn; kẻ vạch phân làn/chiều để xe quay đầu đi ngược chiều không lấn vào làn/chiều của dòng xe đi thẳng. Một cách khác là đóng hẳn điểm quay đầu này, buộc xe rẽ phải, đi vòng qua các đường Võ Văn Kiệt, Hồ Tùng Mậu… để đến các điểm cần đến.
Biển chỉ dẫn cho phép quay đầu xe ở đầu đường Hàm Nghi “cắt mặt” dòng xe đi thẳng trên đường Tôn Đức Thắng lên cầu Khánh Hội hoặc rẽ phải sang đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: LƯU ĐỨC
Biển báo to hơn
Điểm đen 2: Đầu cầu Sài Gòn 2 hướng từ quận Bình Thạnh qua quận Thủ Đức thời gian qua là điểm đen mới với hai vụ TNGT, hai người chết và ba người bị thương.
Hình ảnh ghi được từ camera của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho thấy cả hai vụ TNGT xảy ra khi người đi xe máy đi vào làn ô tô, tay lái loạng choạng và không giữ được khoảng cách an toàn với ô tô đi phía trước. Nhưng nhìn xa hơn, trước khi vào đường dẫn lên cầu Sài Gòn 2 dòng xe máy bị dải phân cách phục vụ cho thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đặt lấn ra gần giữa đường Điện Biên Phủ gây ra hiện tượng… “nắn dòng”. Với các xe máy chạy nhanh khi qua khỏi điểm “nắn dòng” này rất khó trở lại làn đường của mình nên nhiều người thường lấn qua, đi luôn trên phần đường của ô tô để lên cầu.
=> Hướng khắc phục: Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Khu 2, giải pháp tức thời là tháo dỡ, di dời dải phân cách, hoàn trả phần mặt đường Điện Biên Phủ đoạn qua khu vực thi công tuyến metro số 1 để các dòng xe chuyển làn thuận tiện, đi đúng phần đường của mình. Ở ngay đầu mũi dải phân cách ở đầu cầu Sài Gòn 2 biển cảnh báo “chú ý quan sát” và các biển báo khác được thay mới, to gấp hai lần các biển báo cũ. Cạnh đó, đầu mũi dải phân cách ngoài hàng cọc tiêu mềm phía trước còn sơn phản quang mới, rõ hơn để người lái dễ nhận biết về đêm. Ở trước ngã tư đường Nguyễn Hữu Cảnh - đường vào khu vực Tân Cảng lắp đèn tín hiệu vàng - xanh - đỏ để điều tiết xe nhập vào đầu đường dẫn lên cầu.
Bảng cấm xe máy đi vào làn xe ô tô ở đầu cầu Sài Gòn 2 to hơn bảng hạn chế tốc độ 60 km/giờ ở bên trên tới 1,5 lần. Ảnh: LƯU ĐỨC
Sửa chữa mặt đường
Điểm đen 3: Giao lộ đường Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh, trong thời gian ngắn từ tháng 3 đến tháng 11-2018 có tới ba vụ TNGT, ba người chết.
Điều đáng nói là các vụ TNGT xảy ra ngoài va chạm giữa người đi xe máy với ô tô con còn có các xe tải trên 3,5 tấn, xe container đi chen vào phần đường hỗn hợp. Đây là hai loại xe bị cấm đi vào phần đường này. Lý giải của các tài xế xe tải nặng, xe container là phần đường phía ngoài quá xấu và các đoạn phía trước có cho hai loại này lưu thông nên khi đến đoạn này họ… băng qua luôn.
=> Hướng khắc phục: Theo một cán bộ Khu 4, đơn vị thay mặt Sở GTVT giám sát tình trạng kỹ thuật đường Nguyễn Văn Linh, giải pháp căn cơ là phải sửa chữa phần mặt đường phía ngoài dành cho ô tô để các loại xe này không còn có cớ đường xấu, hư để đi chen sang phần đường hỗn hợp. “Nhưng đơn vị quản lý tuyến đường Nguyễn Văn Linh thường báo phải lập dự toán, kỹ thuật trình lên chủ đầu tư tuyến đường hơi lâu nên việc sửa chữa bị… chậm!” - vị cán bộ Khu 4 cho biết.
Cọc tiêu phải giảm thiểu thiệt hại Theo Sở GTVT, hiện ngành đang sử dụng phổ biến các cọc tiêu, thanh chắn, lan can, đinh phản quang, dải phân cách… bằng sắt, thủy tinh hoặc bê tông. Các loại vật tư, vật liệu này đặt giữa hoặc bên đường đều có thể làm tăng thêm thiệt hại cho người và xe khi có va chạm. Tại các nước, các loại vật tư này đều làm bằng vật liệu mềm (như cọc tiêu cao su hoặc bằng nhựa tổng hợp). Ngay như dải phân cách cũng được làm bằng cao su - nhựa tổng hợp và định hình như kiểu phao bơi để bơm nước vào trong nên vừa giảm được thiệt hại, vừa dễ xả nước ra, di dời đưa đi lắp đặt ở nơi khác… Trong văn bản chỉ đạo mới đây về giảm ùn tắc, xóa điểm đen, Sở GTVT khuyến nghị các khu quản lý giao thông đô thị dùng các vật tư trên bằng vật liệu mềm nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra va chạm (nếu có). |