Ra đường, bạn cần lưu ý những điểm đen giao thông nào?

Theo Sở GTVT, trong năm 2016 đã xóa được 10 điểm đen về an toàn, tai nạn giao thông chuyển tiếp từ năm 2015 sang và đang tiếp tục theo dõi diễn biến nhưng đã xuất hiện 7 điểm đen mới phải xóa trong năm nay.
Tuy nhiên, người dân TP cho rằng hiện vẫn có nhiều điểm khác tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
Dốc cầu Rạch Chiếc: Không khéo là… dính nạn
Dốc cầu Rạch Chiếc, hướng từ trên cầu về hướng cầu vượt Cát Lái là một đường cong và ngay dưới chân dốc là điểm giao cắt giữa làn xe hỗn hợp ô tô, xe máy đi bên trong đi về cầu Sài Gòn với làn xe ô tô tải, container đi bên ngoài để lên cầu vượt.

Ra đường, bạn cần lưu ý những điểm đen giao thông nào? ảnh 1
Giao cắt dưới dốc cầu Rạch Chiếc giữa đường xe container và dòng xe máy là nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Ảnh: LƯU ĐỨC

Dù đã có đèn tín hiệu đèn giao thông ở điểm giao cắt này nhưng nhiều trường hợp xe tải, xe container đổ dốc cầu cong, bị che khuất tầm nhìn nên vẫn lao ầm ầm cắt ngang dòng xe máy đang đi qua nút.
“Nhiều vụ xe máy bị xe container va quẹt đã xảy ra ở điểm giao cắt cuối dốc này!” - Trung tá Phạm Văn Tuyến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Cát Lái, cho biết.
Theo ông Lê Minh Triết, Giám đốc trung tâm quản lý hầm sông Sài Gòn và ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, dù đã tăng cường thêm nhiều gờ giảm tốc và biển báo đi chậm nhưng chân cầu Rạch Chiếc và điểm giao cắt trên vẫn là điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
“Giải pháp căn bản xóa điểm nguy cơ này là làm đường phía dưới tuyến metro số 1, đi sát cao ốc The Vista để làn xe máy, xe hỗn hợp khỏi phải đi cắt mặt dòng xe container nữa. Nhưng có lẽ phải đợi đến sau năm 2018 khi tuyến metro số 1 làm xong thì con đường này mới được làm!” - ông Triết cho biết.

Ra đường, bạn cần lưu ý những điểm đen giao thông nào? ảnh 2
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao ở nơi giao cắt dưới dốc cầu Rạch Chiếc giữa đường xe container và dòng xe máy. Ảnh: LƯU ĐỨC

Ngã ba “tử thần” Phạm Văn Bạch - Trường Chinh
Đây là 1 trong 7 “điểm đen” xuất hiện trong năm 2015-2016 và sẽ phải giải quyết trong năm 2017 này. Đây là giao lộ rộng hơn 100 m, có đèn tín hiệu nhưng tình hình giao thông nơi đây vẫn diễn ra phức tạp. Các phương tiện xe máy khi qua đoạn đường này lưu thông mất trật tự, qua đường không đúng quy định. Người dân xung quanh khu vực cho biết nhiều người lưu thông khi đi qua nút giao thông này thường qua đường tùy tiện, nhiều người cố tình vượt để rẽ từ hướng Trường Chinh vào Phạm Văn Bạch khiến tai nạn giao thông giữa xe máy và xe ô tô, xe tải ở đoạn đường này xảy ra thường xuyên.
Tại giao lộ này trong hai năm 2015 và 2016 đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người và bị thương 2. Nguyên nhân được xác định là người đi mô tô đi vào đường cấm, ngược chiều đâm vào người đi mô tô khác. Thời gian xảy ra tai nạn là ban đêm, lúc 20 và 23 giờ.
Theo Sở GTVT dù đã điều chỉnh chu kỳ đèn qua ngã ba này từ hai pha sang ba pha và lắp đảo dừng chờ cho người đi bộ, xe máy qua giao lộ quá rộng này nhưng nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn rất cao. Nhất là sau khi hầm chui, nút giao An Sương được triển khai nên nhiều người khi từ hướng An Sương vào nội đô vừa qua khỏi khu vực kẹt xe mới ở công trường thường có xu hướng phóng nhanh, vượt qua cả đèn xanh, đỏ ở ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch.
Đường Nguyễn Tất Thành: “Điểm nóng” kẹt xe và tai nạn
Đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 chỉ rộng 7 m cho mỗi chiều đường, trong khi đây lại là tuyến huyết mạch nối thông quận 1, 4 và 7 và cho các dòng xe ra vào cảng Sài Gòn, vận chuyển xăng dầu từ Nhà Bè vào nội đô. Đường nhỏ, xe đông nên ngày nào tuyến này cũng bị kẹt.
Trong năm 2016 trên tuyến Nguyễn Tất Thành đã xảy ra 3 vụ tai nạn, làm chết 3 người. Trên “tuyến đường đen” này có 3 “điểm đen” được xác định là trước nhà số 155, nhà 428 và nhà số 404. Các vụ tai nạn xảy ra là do va chạm giữa xe mô tô với xe tải, xe container và lỗi chủ quan chính là chạy ngược chiều, chạy vào đường cấm, không chú ý quan sát…
Theo ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra tại các điểm đen cũng như trên cả tuyến như lắp đèn chớp vàng liên tục, lắp biển báo đi chậm, đóng các điểm mở dải phân cách. “Chúng tôi sẽ phải theo sát tuyến đường đen này để có các giải pháp kịp thời, phù hợp trong năm 2017!” - ông Ninh nói.
Xóa 10, thêm 7
* Xóa: Các điểm này trong năm 2016 không xảy ra TNGT nhưng sẽ phải theo dõi kỹ trong năm 2017 để tránh tái phát
- Đường Võ Văn Kiệt xóa được 2 điểm nhưng năm 2016 lại xảy ra 1 vụ ở 1 điểm.
- Nút giao Mỹ Thủy xóa được 4 điểm trong năm 2014 nhưng năm 2016 lại xảy ra 1 điểm với 1 vụ.
- Nút giao An Phú: từ sau năm 2015 tại 2 điểm không tái diễn vụ nào.
- Đường D400, quận 9 năm 2016 xóa được 2 điểm.
- Đường Nguyễn Duy Trinh năm 2016 xóa được 2 điểm
- Đường Lê Văn Việt năm 2016 xóa được 2 điểm.
- Ngã tư An Sương từ năm 2011 đến cuối 2016 có 11 vụ, 12 người chết, 2 bị thương. Ngắt quãng năm 2015 tưởng được xóa thì đến cuối 2016 và đầu 2017 này thì bùng phát trở lại.
- Quốc lộ 1, khu Linh Xuân, Linh Trung sau 2014 không có vụ nào ở 3 điểm đen trước.
- Quốc lộ khu Tam Bình năm 2016 không có vụ nào ở 2 điểm từng xảy ra hai vụ làm chết 3 người, bị thương 2.
- Hương lộ 2 năm 2016 xóa được 2 điểm.
• Thêm: Xuất hiện 7 điểm trong năm 2016 và sẽ phải giải quyết trong năm 2017:
- Đường Nguyễn Tất Thành 3 điểm.
- Đường Võ Văn Kiệt, quận 5 có 2 điểm.
- Đường Võ Văn Kiệt, quận 6 có 2 điểm
- Giao lộ Hoàng Hữu Nam - đường số 7, quận 9 có 2 điểm.
- Giao lộ Trường Chinh - Phạm Văn Bạch.
- Giao lộ quốc lộ 1 - Khu chế xuất Linh Trung 1.
- Đường Nguyễn Hữu Cảnh có 2 điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm