TP.HCM xuất hiện nhiều tội phạm mã hoá Bitcoin để mua bán trái phép chất ma tuý

(PLO)- VKSND TP.HCM cho biết, trong sáu tháng qua, địa bàn xuất hiện loại tội phạm mã hoá Bitcoin để thanh toán giao dịch, mua bán trái phép chất ma tuý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua, tại Kỳ họp HĐND TP.HCM khoá X, VKSND TP.HCM và TAND TP.HCM đã có báo cáo gửi các đại biểu về công tác trong sáu tháng đầu năm 2023.

Xuất hiện nhiều loại tội phạm mới

Báo cáo kết quả công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2023 của VKSND TP cho thấy, tình hình tội phạm trên địa bàn TP tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo không ít khó khăn cho cơ quan tố tụng trong công tác phòng, chống tội phạm.

Nổi lên là loại tội phạm ma tuý được che giấu dưới hình thức sử dụng tiền "quà biếu', chuyển phát nhanh, hàng "xách tay" như vụ vận chuyển trái phép chất ma tuý từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất; xuất hiện các đối tượng mã hoá Bitcoin để thanh toán giao dịch mua bán trái phép chất ma tuý...

Tội phạm về trật tự an toàn xã hội tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp với tính chất côn đồ, manh động, xuất hiện các ổ nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, hoạt động khép kín, lưu động trên phạm vi địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn núp bóng doanh nghiệp để che giấu hoạt động phạm tội...

TP.HCM xuất hiện nhiều tội phạm mã hoá Bitcoin để mua bán trái phép chất ma tuý ảnh 1

Vụ vận chuyển trái phép chất ma tuý từ Pháp về Việt Nam phát hiện vào tháng 3-2023 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Ngoài ra, TP.HCM cũng xuất hiện các ổ nhóm tội phạm có tổ chức liên quan hoạt động tín dụng đen. Điển hình là việc Công an TP.HCM tổng kiểm tra 79 địa điểm kinh doanh của Công ty F88 trên địa bàn, đã khởi tố 10 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản.

Mặc dù VKSND hai cấp TP đã có nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng một số công tác trọng tâm còn chậm. Nguyên nhân là do tình hình tội phạm, tranh chấp, các tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng và phức tạp trong khi số lượng biên chế và đội ngũ Kiểm sát viên thiếu (thiếu 172 biên chế so với chỉ tiêu được giao và chưa tuyển dụng được công chức). Cạnh đó, một số kiểm sát viên chưa chủ động, phát huy hết trách nhiệm, chưa chấp hành nghiêm kỷ luật lao động...

2.000 khiếu nại chủ yếu về tố tụng, công tác giải quyết án

Trong sáu tháng đầu năm, TAND hai cấp TP.HCM cho biết đã thụ lý mới hơn 31.953 vụ việc, tổng số án phải giải quyết là 46.550 vụ; đã giải quyết 19.559 vụ.

Về công tác giải quyết khiếu nại, cả hai cấp toà đã nhận hơn 2.000 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Phần lớn nội dung khiếu nại liên quan đến việc thực hiện tố tụng, công tác giải quyết án của Thẩm phán, thư kí. Nhiều nhất là số đơn thư, khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TAND cấp quận, huyện và chậm giải quyết vụ án.

Hai cấp toà cũng đã ra quyết định thi hành án hình sự với 3.694 trường hợp; giải quyết 200/1.053 vụ đã thụ lý về án hành chính.

Phần lớn các vụ án hành chính là những khiếu kiện có tính chất phức tạp, tập trung ở lĩnh vực quản lý đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư nhà nước thu hồi đất, lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng...

TAND TP cho biết, tỉ lệ giải quyết, xét xử một số loại án của TAND hai cấp chưa đạt yêu cầu đề ra, kéo theo tỉ lệ giải quyết án chung chưa cao; công tác giải quyết án tạm đình chỉ vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tỉ lệ giải quyết, xét xử án dân sự, hành chính của TAND TP thấp. Về phía chủ quan, TAND TP nhận định do các thẩm phán chưa thật sự tập trung làm hết trách nhiệm của mình.

Việc kiện toàn lực lượng cán bộ, công chức còn khó khăn, nhất là biên chế thư ký ảnh hưởng đến tỉ lệ giải quyết, xét xử các loại án.

Tới đây, văn phòng TAND TP cho biết sẽ hoàn thiện đề án "tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND TP.HCM" để tăng tỉ lệ giải quyết án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm