Ngày 28-3, sau khi nghị án kéo dài, TAND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định trả hồ sơ vụ Trần Quốc Luật (giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Quốc Luật) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) cho VKSND cùng cấp. HĐXX nêu ra 10 nội dung yêu cầu VKS điều tra bổ sung. Đây là vụ án càng xét xử càng thấy chứng cứ kết tội lỏng lẻo.
Cụ thể theo HĐXX cần xác minh tại thời điểm hiện tại, vợ chồng bà Phan Thị Nguyệt, ông Trần Văn Nứa và vợ chồng chủ đất cũ đang ở đâu, còn quốc tịch Việt Nam hay không. Đồng thời phải lấy lời khai người đã môi giới cho bị cáo Luật mua lô đất là vào thời điểm nào.
HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung nội dung trao đổi qua hộp thư điện tử từ email giữa công ty của Luật và công ty của bà Nguyệt liên quan đến việc cầm cố lô đất. Xác minh các chữ ký trong hợp đồng đo đạc, đơn xin tách thửa đất cho ông Hữu có phải của chồng bà Nguyệt hay không. Nếu phải thì tại sao ông lại thực hiện các thủ tục này.
Bị cáo Trần Quốc Luật tại tòa. Ảnh: TV
Bên cạnh đó phải làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của vợ chồng bà Nguyệt cho rằng không biết việc Luật tìm được người nhận chuyển nhượng là ông Hữu. Chồng bà Nguyệt có thực hiện việc khắc phục các lý do dẫn đến việc không tách được thửa đất hay không. Ai là người nộp tiền để thực hiện hợp đồng đo đạc. Việc xử lý hủy hợp đồng đo đạc được thực hiện như thế nào.
Cạnh đó, HĐXX yêu cầu điều tra vợ chồng bà Nguyệt đã thế chấp lô đất cho các tổ chức tín dụng như thế nào. Tại sao các tài sản thế chấp được liệt kê trong hợp đồng thế chấp có một số tài sản trùng khớp với danh sách các tài sản được liệt kê trong tài liệu mà vợ bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra.
HĐXX cũng yêu cầu thu thập các chứng cứ trên điện thoại di động và máy tính của Luật mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đang quản lý vì Luật khai các chứng cứ ghi âm trao đổi được chứa trong đó.
Ngoài ra, HĐXX còn yêu cầu lấy lời khai các nhân viên trong công ty của bà Nguyệt để làm rõ mối quan hệ giữa Luật và bà Nguyệt. Hiện tại công ty này do ai làm đại diện theo pháp luật. Làm rõ về giá trị, tài sản đầu tư trên đất. Hiện trạng các tài sản trên đất hiện nay như thế nào. Khi vợ chồng bà Nguyệt chuyển nhượng lại cho người khác thì các tài sản trên đất đã được xử lý như thế nào.
HĐXX còn đề nghị điều tra làm rõ mối quan hệ giữa bị cáo Luật, người bị hại và ông Nứa khi chuyển tiền cho Luật có phải là quan hệ hợp tác góp vốn hay không. Tại sao khi nhận chuyển nhượng, cả ba người không xác định ranh giới, tứ cận của lô đất. Tại sao lại xây chung tường rào, cùng bỏ tiền để trồng cây cọ trên toàn diện tích đất, có phải cùng có kế hoạch đưa tài sản vào góp vốn cho công ty như Luật trình bày.
Đây là lần thứ tư TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Ba lần trước các nội dung tòa yêu cầu điều tra nhằm làm rõ có hay không việc Luật khai bà Nguyệt đứng tên giùm mình trên lô đất. Tuy nhiên, VKSND tỉnh luôn phản hồi bằng văn bản giữ quan điểm truy tố.
Đối với yêu cầu làm rõ nội dung trao đổi qua thư điện tử trong những lần trả hồ sơ trước, tòa án cũng đã đề nghị thu thập. Phản hồi lại, VKS cho biết đã làm việc với ông Nguyễn Ngọc Hòa (nhân viên của của Công ty Trần Quốc Luật), ông Hòa cho biết có trao đổi công việc qua email với công ty của bà Nguyệt nhưng không liên quan gì đến lô đất. Ông Hòa cũng đã quên mật khẩu mở email này.
Bị tạm giam gần bốn năm Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, từ đơn tố cáo của ông Nguyễn Công Hữu, tháng 6-2014, Luật bị khởi tố về tội lừa đảo, mới đây được cho tại ngoại. Theo đó, khi chuyển nhượng 1/2 lô đất diện tích hơn 15.000 m2 tại huyện Tân Uyên cho ông Hữu, Luật nói đất này là của mình, nhờ vợ chồng bà Nguyệt đứng tên giùm. Luật không cho ông Hữu biết việc vợ chồng bà Nguyệt ủy quyền cho Luật toàn quyền định đoạt, tìm người bán đất. Sau khi nhận tiền, Luật tiêu xài hết, không sang tên đất cho ông Hữu… |