“Trái tim hồng” của bàn tay khuyết tật

Nghe người phụ nữ này trải lòng mới thấy được học, được lao động và cống hiến như một người bình thường quả thật là một khó khăn. Vì nhiều hoàn cảnh, nửa chừng lớp 11 (Trường THPT Nguyễn Trãi, thị trấn Ngãi Giao, Bà Rịa-Vũng Tàu) chuyện học gác lại, vào thánh thất tu. Bốn năm sau, chính khát khao được học tới nơi tới chốn đã đưa cô nữ sinh Vương Thiên Nga (sinh 1976), quê gốc Quảng Nam trở lại với cuộc đời, chấp nhận và dấn thân.

Đến ở nhờ trong quán nước của một người cùng bổn đạo, buổi sáng đi học, chiều bưng mâm bánh tiêu, sinh tố đu theo xe từ Tân Thành lên Long Thành rồi ngược lại để bán. Đậu vào CĐ sư phạm Đồng Nai, đến nửa năm thứ ba, khi các bạn được phân bổ về các trường thực tập thì chị bị đình chỉ, lý do là khuyết tật, viết bằng tay trái không đảm bảo khả năng sư phạm! Năn nỉ lãnh đạo nhà trường, hứa khi ra trường sẽ về dạy ở trường khuyết tật nhưng không được. Tuyệt vọng, chị thẫn thờ ra biển, những bước chân cứ đi mãi, đi mãi… định không trở lại.

Nhà thơ Vương Chi Lan ở một triển lãm mỹ thuật. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tỉnh hồn lại, nghĩ mình phải sống, chị quyết định đạp xe hướng về Sài Gòn.

Xin việc làm không được, tiền ít ỏi giắt theo đã hết. Chị bắt đầu bán vé số và… làm thơ. Một ngày đẹp trời năm 2000, niềm vui vỡ òa, thơ chị với bút danh Vương Chi Lan đã có báo chịu đăng. Cầm nhuận bút 80.000 đồng của tờ Văn học nghệ thuật Bà Rịa-Vũng Tàu, chị xúc động thật sự.

“Sau đó thì mẹ bán đất cho tôi tiền mua xe máy. Có xe, chuyện xin việc cũng không có gì khá hơn. Tôi trở thành cô bé chạy xe ôm cho các cô nhà thơ lúc nào không hay. Đến các CLB thơ, tôi cũng vào dự, cũng lên đọc thơ… Đời bồng bềnh trôi, những cuốc xe ôm không định giá, ai cho nhiêu thì lấy nhiêu. Tôi xác định đây chỉ để qua ngày. Quan trọng là nghề để nuôi thân và lo cho mẹ”.

Để khởi đầu, chị phụ việc cho một shop thời trang, học từ cô chủ việc thiết kế mẫu in trên áo, làm phim, tiếp cận chỉ thêu, hạt cườm, vải… “Tôi đam mê ngành thiết kế, ngành in, tôi mơ được gõ lạch cạch trên bàn phím. Khi làm phát hành ở một tờ báo, tôi vừa học lóm vi tính vừa nhờ bạn bè chỉ thêm. Sau đó tích cóp mua máy riêng cho mình, tìm sách dạy đồ họa đọc tới đọc lui, cái hiểu cái không… làm lung tung cả lên!”.

Cũng trong giai đoạn này, chị gặp được nhóm bạn làm truyện tranh. Được các anh xem như em gái, hỗ trợ kiếm sống bằng cách làm card, menu, in ấn đơn giản. Vừa thấy vững vững một chút, chị bắt đầu nghĩ đến chuyện giúp người khác.

Nhóm Trái tim hồng được chị lập ra, quy tụ nhiều bạn khuyết tật nghèo khổ để nương tựa, giúp đỡ nhau. Nhóm hoạt động lặng lẽ bằng cách kinh doanh những hộp card, những cuốn order, dán từng cái bao đũa. Chị hướng dẫn các bạn học vi tính bằng tất cả những gì chị có. Sau vài năm, Trái tim hồng “lên” công ty.

Các bạn ở tỉnh nghe tiếng tìm đến xin học, những bạn khuyết tật nặng cũng được cha mẹ gửi vào. Chị lo ăn, ở, học, làm và lương bổng cho 15 nhân viên của mình với niềm cảm thông của một người từng trải qua biết bao khó khăn của cuộc đời. Công ty cũng có lúc khó khăn tưởng phải giải tán. Để tăng thêm thu nhập, chị mở thêm một shop quần áo. Giờ thì mọi thứ tạm ổn, chị thỉnh thoảng cùng một số mạnh thường quân đi làm từ thiện và vẫn tiếp tục… làm thơ!

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm