Trầm cảm, can thiệp sớm để ngăn hậu họa cho người bệnh

Mới đây, báo chí có thông tin việc anh Thái Bá T. ở xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An tử vong dưới giếng, vợ anh là chị Đ. cũng tử vong dưới gầm giường.

Người dân đến khám bệnh tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh: HOÀNG LAN

Trước đó, khi đi bệnh viện (BV) khám, dù được bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm và khuyên nhập viện để điều trị, song anh T. từ chối vì sợ tốn kém. Sáng 13-4, chị Đ. thấy chồng có biểu hiện bất thường như đập phá đồ đạc, dọa chém người nên vội gọi điện thoại nhờ người thân đưa đi BV. Song chỉ lát sau, anh T. tỉnh táo, ổn định lại nên người vợ thông báo với người thân hoãn việc đưa chồng đi BV. Sau đó đã xảy ra án mạng đau lòng như trên.

Không chỉ riêng trường hợp của anh T., gần đây ở một số địa phương khác cũng xảy ra các vụ tự tử.

Trước tình trạng trên, nhiều bạn đọc thắc mắc liệu những người muốn tìm đến cái chết, ngoài những tác động khác từ xã hội thì trầm cảm có phải là một trong những nguyên nhân? Cách nào để nhận biết một người đang mắc chứng trầm cảm và cách điều trị ra sao?

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với BS Trần Duy Tâm, chuyên khoa tâm thần kinh (ảnh), Trưởng Khoa kế hoạch - tổng hợp BV Tâm thần TP.HCM, về những thắc mắc của bạn đọc.

Hơn 50% người trầm cảm có ý định tự tử

. Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết những nguyên nhân nào dẫn đến việc một người đang khỏe mạnh lại muốn tự tử?

+ BS Trần Duy Tâm: Tự tử là một tình trạng cấp cứu về tâm thần, trong đó người bệnh tự gây ra cái chết cho mình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một người muốn tự tử chứ không phải đơn thuần là do bệnh trầm cảm gây ra. Tuy nhiên, có hơn 50% người bị trầm cảm có ý định tự tử, thường gặp ở những người rơi vào tình trạng rối loạn cấp thời như vừa nhận được tin dữ, bị phá sản, bị người yêu bỏ, mất việc làm… Sau những sang chấn tâm lý đó, họ không chịu đựng nổi cú sốc tâm lý mà muốn tìm đến cái chết.

Ngoài ra, những người tự tử cũng có thể mắc bệnh loạn thần như nghe những tiếng ảo giác, hoang tưởng thúc đẩy người bệnh thực hiện hành vi tự tử…

. Những dấu hiệu nào để nhận biết mình đang bị trầm cảm?

+ Người bị trầm cảm là người có những biểu hiện bất thường diễn biến liên tục từ hai tuần trở lên. Theo đó, người bệnh có cảm xúc rầu rĩ, buồn và luôn mang tâm trạng chán nản. Chán nản ở đây có thể là trước đây mình rất thích những công việc này nhưng sau này bỗng dưng thấy công việc nhạt nhẽo, không còn đoái hoài tới nữa.

Ngoài ra, người bệnh còn có những rối loạn tâm thần khác. Ví dụ như tư duy trở nên chậm chạp, không còn nhanh nhẹn như trước, trong đầu luôn nghĩ đến những điều tiêu cực, nhìn mọi việc rất bi quan. Người bệnh luôn đánh giá thấp bản thân, kém ăn, mất ngủ…

Với những trạng thái trên, sẽ khiến người bệnh chuyển sang ý tưởng tự buộc tội mình. Từ đó, trong đầu luôn có suy nghĩ chán sống và nghĩ đến chuyện tự tử.

Từ các ý nghĩ tự tử, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mưu toan tự tử. Họ sẽ lên một kế hoạch cho một cái chết như thế nào. Và cuối cùng họ thực hiện hành vi tự tử đó.

Cần lưu ý, với từng giai đoạn như trên, từ ý nghĩ chán sống, mưu toan tự tử, rồi đến tự tử thì chỉ cần một tác động ngoại cảnh nào ngăn chặn lại thì người bệnh sẽ ngưng ngay ý định tự tử. Do vậy, việc người thân phát hiện ra các dấu hiệu trầm cảm và hỗ trợ họ thoát ra là điều rất quan trọng.

Trầm cảm phát hiện sớm dễ chữa trị

. Những dấu hiệu nào giúp nhận biết người thân của mình đang bị trầm cảm?

+ Người thân có thể quan sát người bệnh ở bên ngoài từ những biểu hiện khác so với trước đây như buồn chán và luôn nói về những điều tiêu cực.

Người thân cần lưu ý có những loại trầm cảm không điển hình. Ví dụ như thay vì người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, ít nói thì người bị trầm cảm không điển hình có những hành động đi tới đi lui, ăn nhiều, ngủ nhiều, mất khẩu vị, tăng cân.

Chúng ta cần phân biệt giữa trầm cảm và bị stress do tâm lý trong cuộc sống. Người trầm cảm với những dấu hiệu của bệnh diễn ra liên tục trong vòng hai tuần. Còn người gặp vấn đề trong cuộc sống thì có thể hôm nay cảm thấy buồn chán, đau khổ nhưng hôm sau gặp chuyện gì đó vui thì sẽ trở lại bình thường.

 

Sinh viên cũng dễ bị trầm cảm

Trước đây, BV có tiếp nhận một bệnh nhân là một sinh viên trường y đến khám và điều trị bệnh trầm cảm.

Em sinh viên này từ bé đã bị áp lực về tâm lý, căng thẳng trong học tập nhưng em đã cố gắng vào đại học. Tuy nhiên, những ngày đầu bước chân vào đại học, em ấy đã suy sụp tinh thần và có những biểu hiện đầy đủ của bệnh trầm cảm. Vì trầm cảm mà em sinh viên này tự đánh giá thấp bản thân và sa sút trong học tập.

Với bệnh trầm cảm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có những diễn biến xấu hơn về sau. Sau khi được chữa trị kịp thời, em sinh viên này đã khỏi bệnh và đang tiếp tục theo học ngành y.

BS Trần Duy Tâm, chuyên khoa tâm thần kinh, Trưởng Khoa kế hoạch - tổng hợp BV Tâm thần TP.HCM

. Bệnh trầm cảm hiện nay được điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Khi thân nhân hoặc người bệnh phát hiện mình có những dấu hiệu bị trầm cảm thì cần đến cơ sở y tế đa khoa hoặc chuyên khoa để điều trị. Chứng rối loạn trầm cảm có thể được điều trị bằng hai phương pháp.

Thứ nhất, là người bệnh dùng thuốc để cải thiện những dấu hiệu trầm cảm. Y khoa đã phát hiện ra trong não của người bị trầm cảm có một rối loạn về mặt chức năng. Người bình thường trong não có một chất gọi là chất dẫn truyền thần kinh, chất này nhằm đảm bảo sự kết nối giữa những hoạt động tâm thần để con người phản ứng với bên ngoài. Những chất này tạo cho con người có những hoạt động trơn tru. Y khoa đã nghiên cứu trị trầm cảm và đưa ra sử dụng loại thuốc chống trầm cảm. Khi sử dụng thuốc này sẽ giúp cho chất dẫn truyền thần kinh kích hoạt trở lại và các hoạt động não bộ của người bệnh trở lại bình thường.

Phương pháp chữa trị thứ hai là người dùng biện pháp tâm lý xã hội để nâng đỡ tinh thần của người bệnh.

. Xin cám ơn bác sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm