Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai ngày 22-7 đã ban hành Quyết định 37 chấm dứt hoạt động của dự án khai thác, chế biến mỏ đá Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Dự án này được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép ngày 22-11-2011 do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án đã gây bức xúc cho dư luận địa phương trong thời gian vừa qua.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai lý do chấm dứt hoạt động là căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014: Sau 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đã đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư. Theo đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam phải thanh lý dự án theo quy định.
Dự án khai thác đá nằm trên cánh đồng Bàu Cật màu mỡ đã bị thu hồi. Ảnh: TIẾN DŨNG
Dự án khai thác, chế biến đá xây dựng Bình Lợi thuộc địa bàn xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác nằm trên diện tích 40 ha của cánh đồng Bàu Cật thuộc ấp 2. Thời gian khai thác đến ngày 18-9-2019. Theo quyết định cấp phép khai thác thì mỏ đá này được khai thác với độ sau khoảng 60 m và tổng trữ lượng đá gần 9 triệu m3.
Được biết ngay từ năm 2010, khi tỉnh Đồng Nai tiến hành thăm dò khai thác khoáng sản tại cánh đồng Bàu Cật, người dân trong xã đã phản đối. Bởi theo người dân, dự án khai thác đá nằm ngày giữa cánh đồng ba vụ lúa. Ngoài ra khi mỏ đá đi vào khai thác thì nơi đây sẽ gây thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho hơn 1.000 hộ dân sống gần đó (hầu hết người dân khu vực này dùng nước giếng khoan, giếng đào). Đồng thời, gây ảnh hưởng hàng trăm hecta bưởi, cây trồng khác ở khu vực xung quanh nơi khai thác; đường sá xuống cấp, ô nhiễm môi trường.
Do vậy, từ đó đến nay, mỗi khi họp HĐND, người dân lại đề nghị tỉnh Đồng Nai xóa quy hoạch để yên tâm sinh sống. Nhiều hộ dân ở ấp 2, xã Bình Lợi còn gửi đơn tập thể gửi đến HĐND tỉnh Đồng Nai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ... đề nghị bỏ quy hoạch để giữ cánh đồng lúa và nhiều vườn bưởi trong vùng.
Theo quy hoạch khai thác khoáng sản giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dự tính sẽ có 53 mỏ khai thác khoáng sản nằm tại các huyện, thị, thành. Trong đó, có 40 mỏ khai thác đá xây dựng, 4 mỏ khai thác sét gạch ngói và 9 mỏ khai thác cát xây dựng với tổng trữ lượng khoảng trên 471 triệu m3. Các địa phương có nhiều mỏ đá khai thác trong giai đoạn tới là: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Thống Nhất. Còn các mỏ khai thác cát chủ yếu trên lòng hồ Trị An, sông La Ngà. Diện tích sẽ khai thác khoáng sản trong giai đoạn 2016-2020 trên 2.000 ha. Khoáng sản của Đồng Nai khai thác cung cấp cho xây dựng trong tỉnh, TP.HCM và các tỉnh miền Tây. |