Trần ai “con kiến” kiện “củ khoai” - Bài 1: 15 năm ngược xuôi khiếu kiện

Không ai muốn “đáo tụng đình”, đi thưa chính quyền địa phương hay cơ quan nhà nước. Trong tâm thế “con kiến” kiện “củ khoai”, cực chẳng đã người dân mới phải khởi kiện. Con đường này thường đầy nhọc nhằn, gian truân…

Một tháng sau ngày ông Vũ Đức Liêm được tòa tuyên thắng kiện, chúng tôi ghé thăm ông. Khác với lần gặp hôm tòa xử, trông ông khỏe hơn nhiều. Ông tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn ọp ẹp mà gia đình ông ở nhờ. Thấy chúng tôi đến, ông Nguyễn Đức Vinh - người hàng xóm luôn kề vai sát cánh với ông Liêm - chạy sang chơi. Hai người bạn già trầm ngâm rít từng hơi thuốc, ưu tư hồi tưởng những năm tháng gian truân trên con đường ông Liêm đi tìm lẽ phải...

Nhà mất, cha con vào tù

Năm 1996, đội trưởng Đội Thi hành án dân sự huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã ra các quyết định buộc vợ ông Liêm phải thi hành án, trả nợ cho một số người. Khi bán đấu giá nhà đất của vợ chồng ông Liêm, cơ quan thi hành án “bỏ quên” quyền lợi của ông Liêm trong khối tài sản chung. Bức xúc, ông Liêm và người con gái lớn (lúc đó đang học sư phạm) phản ứng việc cưỡng chế thì bị bắt, bị phạt tù về tội chống người thi hành công vụ.

Hai năm sau, ra tù, ông phải bỏ nghề lái xe lam vì sức khỏe yếu. Uất ức, ông vùi đầu viết đơn rồi đi khiếu nại. Hết tiền, người thân, bạn bè thương tình giúp được đồng nào, ông để dành phôtô giấy tờ. Theo thời gian, chồng hồ sơ khiếu nại ngày càng dày cộp.

Năm 1999, ông Liêm gửi đơn kiện Đội Thi hành án huyện ra tòa đòi lại tài sản. Hai năm sau, tòa huyện tuyên Đội Thi hành án phải trả lại cho ông một nửa diện tích đất và bồi thường 22 triệu đồng. Tuy nhiên, tòa tỉnh đã hủy án sơ thẩm. Rồi hai tòa đùn đẩy việc thụ lý cho nhau. Năm năm tiếp theo, vụ kiện của ông bị “ngâm” một chỗ.

Năm năm ròng rã ấy, ông Liêm khiếu nại từ huyện lên tỉnh rồi ra tận Hà Nội. Mệt mỏi, chán nản khi thời gian cứ trôi đi mà chẳng có kết quả gì. Đơn của ông, có nơi không hồi âm, có nơi gửi phiếu báo đã chuyển đơn về chỗ này chỗ kia. Lối xóm xúm lại khuyên: “Thôi đừng tốn công, mất sức nữa. Người ta có quyền, có tiền, mình dân đen không làm được gì đâu”.

Trần ai “con kiến” kiện “củ khoai” - Bài 1: 15 năm ngược xuôi khiếu kiện ảnh 1

Ông Liêm bên chiếc xe lam hoen gỉ - tài sản duy nhất “thoát” buổi cưỡng chế thi hành án. Ảnh: N.NGA

Ông tuyệt vọng, bế tắc, mất niềm tin, vác cả hai cái hòm đầy ắp đơn từ, tài liệu ra đốt. Nhưng rồi ông lại ráng gượng dậy. “Nhiều đêm trằn trọc, tôi tự nhủ bằng mọi giá vẫn phải theo đuổi vụ kiện tới cùng, trừ khi tôi chết” - ông ngậm ngùi kể.

Tháng năm nhọc nhằn

Năm 2006, tòa huyện chuyển hồ sơ của ông Liêm lên tòa tỉnh. Đến năm 2008, tòa tỉnh xử sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của ông. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM ra quyết định đình chỉ vụ án vì cho rằng thời điểm đó chưa có quy định buộc cơ quan thi hành án làm sai phải bồi thường thiệt hại.

Ông Liêm suy sụp hẳn. “Những ngày đó ông ấy như người điên. Đuổi hết mọi người ra khỏi phòng, đóng cửa ở một mình. Ai gọi điện thoại cũng không bắt máy, ai rủ đi đâu cũng từ chối. Bảo ăn cũng không ăn, hỏi đau ở đâu để còn biết đường mua thuốc thì bảo không có bệnh…” - ông Vinh, người bạn già của ông bần thần nhớ lại.

Câu chuyện đến đây, con gái út của ông Liêm khóc: “Nhà mất, ba và chị vào tù, mẹ và năm đứa em mỗi người một nơi đi ở nhờ nhà người quen. Việc học chẳng tới đâu, đứa lớn làm công nhân, đứa bé nhổ cỏ thuê. Bà nội gần 80 tuổi dắt đứa út mới sáu tuổi ra chợ bán rau. Ba ra tù ốm đau suốt. Chị ra tù xin học lại, nhà trường từ chối, rồi cũng đi làm công nhân. Ba đi khiếu kiện, chú ghi biên nhận gửi thư hồi báo thuộc làu làu số nhà. Ba đi kiện mãi giờ cũng rành luật luôn. Chị biết không, bao năm không khí gia đình nặng nề lắm. Mẹ lúc nào cũng dằn vặt, đau khổ, dẫn đến cao huyết áp mà qua đời”...

Mắt ông Liêm hoe đỏ. Ông chỉ tay về chiếc xe lam hoen gỉ ở góc sân, là tài sản duy nhất sót lại khi bị cưỡng chế ngày ấy, giờ như đống sắt vụn mà ông giữ làm kỷ niệm. “Hôm đó tôi đi làm về gửi xe bên nội nên cơ quan thi hành án không chú ý. Cho tới giờ, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao họ có thể hành xử như vậy. Lấy sạch từ chiếc đồng hồ treo tường của một người cháu gửi tặng, giường, tủ quần áo mẹ tôi tặng trong ngày cưới, chiếc bảng đen và mấy cái ghế tôi đóng cho con gái dạy thêm cho trẻ trong xóm đến cái chén, đôi đũa. Hàng xóm thương tình chạy qua giữ lại được đống quần áo. Khổ!”.

“Tối nay tôi được ngủ ngon rồi!”

Nhưng trời cao có mắt. Vì các sai phạm nghiêm trọng trong vụ thi hành án của ông Liêm cùng nhiều vụ khác, đội trưởng Đội Thi hành án huyện và chấp hành viên ngày đó đã bị khởi tố, truy tố, kết án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hy vọng bùng lên, ông Liêm khởi kiện yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom (Đội Thi hành án huyện Thống Nhất cũ) bồi thường.

Tháng 7-2012, TAND huyện Trảng Bom đã buộc Chi cục Thi hành án huyện bồi thường cho ông Liêm gần 2,6 tỉ đồng. Chi cục Thi hành án kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm ngày 6-5 vừa qua của TAND tỉnh Đồng Nai, ông Liêm được tòa cho ngồi để trả lời vì sức khỏe yếu. Tòa tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Ông run run bắt tay luật sư, cảm ơn rối rít, bảo: “Vậy là tối nay tôi được ngủ ngon rồi!”.

Sự “giật mình” của bộ trưởng

Số tiền mà TAND tỉnh Đồng Nai buộc Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom bồi thường cho ông Liêm đã khiến ngành thi hành án và Bộ Tư pháp phải “giật mình”, như lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại buổi sơ kết ba năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 28-5 vừa qua. Vì lẽ đó, bộ trưởng nhận xét chưa tin được con số báo cáo bồi thường trong thi hành án dân sự ba năm qua chỉ có 5,4 tỉ đồng.

Tại buổi sơ kết, Bộ trưởng Cường ưu tư về tình hình khiếu nại bồi thường nhà nước. Ông nhắc lại một vụ thi hành án sai khác ở Quảng Ngãi: “Lúc trước có gì mà anh em phải hăng hái kê biên hai tàu cá làm gia đình người ta tan nát? Giờ ngày nào bà ấy cũng ra... trực cổng nhà tôi hỏi chừng nào có tiền bồi thường!”.

Lòng tin suýt mất

15 năm ròng khiếu kiện, để có một tối ngủ ngon, có lẽ những mệt mỏi, đắng cay thì chỉ người trong cuộc mới trải nghiệm được hết.

Khi tòa phúc thẩm tuyên tôi thắng kiện, tôi mới thật sự tin rằng trên đời này vẫn còn có công lý!

Ông VŨ ĐỨC LIÊM

NGÂN NGA

Mời các bạn đón đọc bài 2 - “Thắng kiện trên giấy”trên số báo ra ngày thứ Hai (3-6)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm