Tràn dịch màng phổi sau khi tự ý tiêm đau cột sống thắt lưng

(PLO)- Sau khi tiêm, người bệnh không đỡ đau mà bệnh tiến triển nặng dần, đau cột sống tăng lan xuống mặt sau đùi, sốt cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-6, ThS. BSCKII Nguyễn Thị Hương Giang – Trưởng đơn vị Nội yêu cầu, bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết BV mới điều trị thành công bệnh nhân PXB (41 tuổi, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) bị nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus.

Bệnh nhân bị đau cột sống thắt lưng nhiều năm. Gần đây, qua giới thiệu của người quen nên tìm đến 1 người tự nhận có khả năng điều trị đau cột sống.

Sau khi tiêm, bệnh nhân không những không đỡ đau mà bệnh tiến triển nặng dần lên, đau cột sống tăng, đau lan xuống mặt sau đùi, sốt cao 39.5 độ C.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau nhiều vùng cột sống thắt lưng. Cấy máu có nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus.

Sau khi chụp cộng hưởng từ cột sống thắng lưng (MRI CSTL), phát hiện hình ảnh rách vòng xơ và thoát vị đĩa đệm L4 -L5, L5-S1 có chèn ép rễ.

Bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng. Ảnh: BV

Bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng. Ảnh: BV

Sau khi được các bác sĩ và điều dưỡng điều trị và chăm sóc, bệnh nhân đã cắt sốt, đỡ đau cột sống thắt lưng sau 2 ngày.

Hiện bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

ThS. BSCKII Nguyễn Thị Hương Giang cho biết: Những trường hợp như trên rất nguy hiểm vì nhiễm khuẩn từ vị trí tiêm cột sống lan rộng theo đường máu, gây viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết. Rất may là bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo, khi có bất cứ vấn đề về sức khỏe hoặc có dấu hiệu đau cột sống thắt lưng, người dân hãy đi khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, tránh biến chứng đáng tiếc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm