Tranh cãi hợp đồng san lấp thanh toán bằng quyền sử dụng đất

(PLO)- Tòa án, VKS và hai bên nguyên đơn, bị đơn tranh cãi về điều khoản thanh toán chi phí san lấp bằng việc chuyển giao quyền sử dụng đất, trong một hợp đồng san lấp ở cụm công nghiệp tại Long An.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, theo yêu cầu của VKSND Tối cao, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Huỳnh Phan (Công ty Huỳnh Phan - trụ sở phường 10, quận 6, TP.HCM) đã bổ sung đơn, đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm ngày 7-8-2023 của TAND Cấp cao tại TP.HCM và các bản án sơ thẩm của tòa án huyện Cần Đước, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An.

Công ty Huỳnh Phan cũng đề nghị Chánh án TAND Tối cao kháng nghị các quyết định, bản án nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên bố hợp đồng san lấp giữa Huỳnh Phan với công ty Cổ phần IMG Phước Đông (Công ty IMG - ở xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là vô hiệu.

Thanh toán hợp đồng san lấp bằng quyền sử dụng đất

Theo hồ sơ, tháng 7-2010, Công Ty IMG ký hợp đồng với Huỳnh Phan để san lấp 128 ha cụm công nghiệp, mặt bằng cầu cảng Phước Đông, giá trị san lấp là 78 tỉ đồng (hợp đồng số 19).

IMG_longan_3.jpg
Phối cảnh Cụm công nghiệp công ty Cổ phần IMG Phước Đông ở Long An

Trong hợp đồng số 19, thay vì thanh toán bằng tiền thì IMG sẽ chuyển giao cho Huỳnh Phan 10 ha đất trong cụm công nghiệp và việc thanh toán bằng chuyển giao đất theo tiến độ thi công san lấp của Huỳnh Phan.

Hợp đồng cũng ghi giá trị của mỗi m2 đất là 45 USD, quy đổi ra tiền Việt để tính khấu trừ phần chênh lệch giữa giá trị diện tích đất mà IMG sẽ giao với giá trị số cát Huỳnh Phan san lấp. Trong phần phụ lục hợp đồng, các bên thống nhất về việc thanh toán, nghiệm thu, hỗ trợ cho việc chuyển giao đất…

Đến tháng 7-2011, hai bên thỏa thuận sẽ nghiệm thu đợt 1 và theo hợp đồng, IMG phải chuyển giao 2,5 ha cho Huỳnh Phan theo tiến độ.

Tuy nhiên lúc này hai bên phát sinh mâu thuẫn về số lượng cát đã san lấp, tranh chấp về tiến độ thi công và các vấn đề khác nên sau đó Huỳnh Phan khởi kiện IMG ra TAND huyện Cần Đước, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng trên là vô hiệu, yêu cầu IMG trả lại số lượng cát mà Huỳnh Phan đã san lấp.

Xử sơ thẩm vào tháng 10-2014, TAND huyện Cần Đước nhận định: Văn bản của Sở TN&MT Long An nêu rõ việc IMG sẽ chuyển giao quyền sử dụng 10 ha đất trong khu công nghiệp cho Công ty Huỳnh Phan là không phù hợp pháp luật đất đai; trong điều 1 và 2 của hợp đồng ghi rõ là IMG không thanh toán bằng tiền mà chuyển giao 10 ha đất; hai bên thanh toán bằng ngoại tệ cho hợp đồng san lấp là vi phạm pháp luật.

Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Huỳnh Phan, tuyên hợp đồng số 19 ký vào tháng 7-2010 là vô hiệu toàn bộ.

Tòa nhận định mức độ lỗi của hai bên là như nhau và sau khi tính toán giá trị số cát, công việc đã thực hiện, tòa tuyên buộc IMG trả cho Huỳnh Phan hơn 10 tỉ đồng.

Bản án này, sau đó bị cấp phúc thẩm hủy để xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

Công ty san lấp bị phạt

Xử sơ thẩm lần 2 vào tháng 7-2018, TAND huyện Cần Đước xác định rằng hợp đồng số 19 là hợp đồng kinh tế. Trong hợp đồng, hai bên thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết khi xảy ra tranh chấp là TAND TP.HCM là trái pháp luật nên việc Huỳnh Phan khởi kiện ra tòa dân sự TAND huyện Cần Đước là đúng.

Tòa Cần Đước cũng nhận định rằng, dù là hợp đồng kinh tế nhưng bản chất đây là hợp đồng dân sự song vụ. Theo đó, IMG sẽ giao khu đất và hỗ trợ Huỳnh Phan thực hiện các giấy tờ liên quan khu đất thuê theo quy định.

Tranh cãi hợp đồng san lấp thanh toán bằng quyền sử dụng đất
Các bên tranh cãi về điều khoản thanh toán quyền sử dụng đất của hợp đồng san lấp

Tòa cũng viện dẫn các công văn của Sở TN&MT tỉnh Long An, Công văn của Tổng Cục quản lý đất đai và cho rằng: Hai bên phải biết đây là hợp đồng thuê đất chứ không phải giao đất như trong hợp đồng hai bên đã ký vì IMG không có quyền giao mà mình đi thuê…

Về thỏa thuận giá trị quyền sử dụng đất bằng USD, tòa cho là phù hợp vì ngay sau đó đã quy đổi ra tiền Việt nên không trái pháp luật.

Cùng với việc nhận định hợp đồng kinh tế là hợp đồng dân sự song vụ, IMG và Huỳnh Phan phải biết là “thuê đất” chứ không phải “giao đất”… tòa đã bác yêu cầu khởi kiện của Huỳnh Phan, buộc Huỳnh Phan bồi thường cho IMG hơn 5,3 tỉ đồng vì vi phạm hợp đồng, sau khi khấu trừ phần đã thanh toán.

Kháng nghị của VKSND Cấp cao bị bác

Bản án này sau đó được TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm với phán quyết y án sơ thẩm.

Án có hiệu lực pháp luật và bị VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét lại theo hướng hủy toàn bộ hai bản án để xét xử lại từ đầu.

Trong kháng nghị, VKSND Cấp cao tại TP.HCM phân tích: Hợp đồng kinh tế giữa Huỳnh Phan và IMG là đơn vụ chứ không phải song vụ như nhận định của hai cấp tòa ở Long An vì không thỏa mãn yếu tố “các bên có nghĩa vụ đối với nhau” của Bộ luật Dân sự.

Bởi lẽ hợp đồng nêu hàng loạt nghĩa vụ của Huỳnh Phan kèm các ràng buộc chặt chẽ, trong khi nghĩa vụ của IMG chỉ là “giao khu đất” và “hỗ trợ bên B thực hiện các giấy tờ liên quan khu đất thuê khi có yêu cầu”. Nghĩa vụ này không mang tính bắt buộc, không cụ thể nên không thể xem đây là hợp đồng song vụ vì không mang tính đối trừ cho nhau.

Kháng nghị còn viện dẫn các bút lục của hồ sơ để khẳng định hợp đồng kinh tế giữa IMG và Huỳnh Phan là đơn vụ, IMG thanh toán bằng chuyển giao quyền sử dụng đất.

Viện dẫn Luật Đất đai, các văn bản của Sở TN&MT Long An, Tổng Cục quản lý đất đai, VKSND Cấp cao tại TP.HCM khẳng định việc chuyển giao (hay cho thuê) khi vừa san lấp xong mặt bằng là trái các quy định về việc cho thuê lại đất trong các khu, cụm công nghiệp.

Tháng 8-2023, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM bác toàn bộ kháng nghị trên, giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An.

IMG_longan.jpg
Kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND cấp cao tại TP.HCM

Đề nghị giám đốc thẩm lại quyết định giám đốc thẩm

Không đồng tình với các phán quyết của tòa, Công ty Huỳnh Phan có đơn khiếu nại đến các cơ quan tố tụng trung ương và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị xem xét lại vụ án.

Theo Công ty Huỳnh Phan, các cấp tòa đã không xem xét đến những vi phạm trong hợp đồng mà chỉ đưa ra những nhận định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Tòa chỉ tập trung giải thích các từ ngữ trong hợp đồng theo hướng áp đặt chủ quan mà bỏ qua các quy định về hợp đồng vô hiệu, do có đối tượng không thể thực hiện được, trái pháp luật vì IMG thanh toán tiền sang lấp mặt bằng cho Công ty Huỳnh Phan bằng việc chuyển giao quyền sử dụng đất.

Huỳnh Phan viện dẫn các Công văn của Giám Đốc Sở TN&MT tỉnh Long An, của Tổng cục quản lý đất đai và quy định của Luật Đất đai về việc tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Cho thuê lại đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế… Từ đó, Huỳnh Phan khẳng định rằng hợp đồng ký kết với IMG là vô hiệu.

Huỳnh Phan tiếp tục khẳng định điều khoản thanh toán của hợp đồng đã vi phạm pháp luật, đã được các văn bản trả lời của cơ quan chức năng, chuyên môn xác nhận nhưng các cấp tòa dễ dàng chấp nhận “không có cho thuê đất mà chỉ là trả công san lấp mặt bằng bằng quyền sử dụng đất” của IMG.

Huỳnh Phan đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, tuyên hợp đồng giữa Huỳnh Phan và IMG là vô hiệu và yêu cầu công ty IMG phải trả lại khối lượng cát mà Công ty Huỳnh Phan đã san lấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm