Tranh luận việc đấu giá tài sản để thi hành án

(PLO)- Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề xuất chủ tịch tỉnh chủ trì cuộc họp để nghe các bên liên quan báo cáo về một vụ bán tài sản để thi hành án có nhiều vướng mắc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-9, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau có Báo cáo 436, đề xuất chủ tịch UBND tỉnh này chủ trì một cuộc họp để nghe các sở, ngành, các bên liên quan báo cáo tình hình còn nhiều vướng mắc trong vụ bán tài sản để thi hành án (THA) tại Công ty Nông sản Cà Mau.

Tại báo cáo, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho rằng còn nhiều vấn đề do không tiếp cận được hồ sơ kiểm chứng nên sở này chưa xác định, khẳng định được là đúng pháp luật hay chưa. Do đó, chưa thể có báo cáo tham mưu đầy đủ, rõ nét theo chỉ đạo trước đó của UBND tỉnh.

Công ty Camimex Foods, một trong hai công ty trúng đấu giá. Ảnh: TRẦN VŨ

Công ty Camimex Foods, một trong hai công ty trúng đấu giá. Ảnh: TRẦN VŨ

Sở Tư pháp và Cục THA bất đồng quan điểm

Theo hồ sơ, từ năm 2019, Chi cục THA dân sự TP Cà Mau tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản của Công ty Nông sản Cà Mau để thi hành các bản án liên quan. Tháng 7-2019, cơ quan THA cho bán đấu giá một gói tài sản, Công ty Camimex Foods đã trúng đấu giá với giá hơn 24 tỉ đồng. Tháng 10-2021, một gói tài sản khác của Công ty Nông sản Cà Mau được bán tiếp, Công ty Hưng Thịnh đã trúng đấu giá gói này với giá 40,2 tỉ đồng.

Do đất thuê trả tiền hằng năm cho Nhà nước nên hai công ty trên chỉ mua được các khối tài sản gắn liền với đất mà không có đất. Trong hồ sơ bán đấu giá cũng nêu rõ trường hợp không thuê được đất thì người trúng đấu giá phải tự tháo dỡ nhà xưởng, máy móc, thiết bị đi.

Sau khi trúng đấu giá, hai công ty trên có tờ trình xin tỉnh Cà Mau cho thuê đất để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị đã mua được. Tuy nhiên, đã ba năm qua, các tờ trình xin thuê đất của hai công ty đều bị từ chối với nhiều lý do.

UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo các sở, ngành xem xét, giải quyết các tờ trình xin thuê đất của hai công ty trên. Tuy nhiên, do vướng pháp lý nên vẫn chưa thể giải quyết được.

Trước nhiều vướng mắc phức tạp, khó giải quyết, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát tính pháp lý của việc kê biên bán đấu giá tài sản THA đã qua. Từ tháng 6-2022 đến nay, Sở Tư pháp và Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau đã có các báo cáo gửi UBND tỉnh. Sở Tư pháp cho rằng việc kê biên, chia nhỏ các gói tài sản của một dự án thống nhất ra bán như vậy là chưa đảm bảo quy định pháp luật. Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau liền có văn bản phản hồi rằng việc đó vẫn đảm bảo quy định pháp luật.

Đấu giá chưa khách quan?

Tại báo cáo lần này, ngoài việc đề xuất chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chủ trì để nghe các bên trình bày, Sở Tư pháp có đưa ra một thông tin mới, chưa đề cập ở các báo cáo trước đó. Sở này cho rằng theo hồ sơ thể hiện có một cuộc đấu giá chưa đảm bảo tính độc lập, khách quan, Cục Bổ trợ tư pháp đã xác định nhưng chưa được khắc phục.

Cụ thể, ngày 9-7-2019, ông Huỳnh Công Nhân là đại diện theo ủy quyền cho Công ty Camimex Foods tham gia trực tiếp đấu giá với một đối thủ duy nhất trong cuộc đấu giá là Công ty Kim Ngân Phú. Trong khi ông Nhân lại là người có 60% cổ phần ở Công ty Kim Ngân Phú.

Đấu giá viên phát hiện tình tiết này và thông báo rõ trước khi buổi đấu giá diễn ra. Phía ông Nhân cho rằng đã bán toàn bộ 60% cổ phần nhưng do Công ty Kim Ngân Phú chưa làm thủ tục thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trước tình huống trên, ông Trần Hữu Lộc, với tư cách là chấp hành viên phụ trách việc THA, đã đồng ý cho cuộc đấu giá tiếp tục diễn ra.

Mỗi bước giá là 50 triệu đồng. Công ty Kim Ngân Phú bỏ chỉ một bước giá là rút, Công ty Camimex Foods đã trúng đấu giá ở ngay lần bỏ giá thứ hai. Mức giá trúng đấu giá là 24,1 tỉ đồng, tức cao hơn giá khởi điểm là 153,3 triệu đồng.

Sau cuộc đấu giá trên, phía Công ty Nông sản Cà Mau đã có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, cho rằng cuộc đấu giá vi phạm luật, có dấu hiệu thông đồng, dìm giá.

Ngày 4-6-2020, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) có Văn bản 550 trả lời cho Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau về trường hợp trên. Văn bản nêu rõ: “Trường hợp ông Bùi Sỹ Tuấn, người đại diện theo pháp luật cho Công ty Camimex Foods, ủy quyền cho ông Huỳnh Công Nhân làm đại diện theo ủy quyền cho công ty này để tham gia đấu giá mà tại thời điểm đó ông Huỳnh Công Nhân là thành viên góp vốn với tỉ lệ 60% trong Công ty Kim Ngân Phú, trong khi Công ty Kim Ngân Phú cũng tham gia đấu giá là không đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch như quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu giá tài sản”.

Cục Bổ trợ tư pháp cũng đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau kiểm tra, xác minh hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền.

Công an cũng cho rằng cuộc đấu giá chưa khách quan

Ngày 24-6-2020, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau có công văn gửi Chi cục THA dân sự TP Cà Mau đề nghị kiểm tra làm rõ việc đấu giá. Ngày 14-7-2020, chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Cà Mau có công văn trả lời Sở Tư pháp với nội dung do ông Huỳnh Công Nhân đã bán cổ phần, không còn điều hành Công ty Kim Hưng Phú nên cuộc đấu giá vẫn đảm bảo đúng luật định. Việc trên giấy đăng ký kinh doanh còn tên ông Nhân góp vốn 60% là vì Công ty Kim Hưng Phú còn nợ ngân hàng nên chưa làm được hồ sơ xin điều chỉnh.

Công văn trên do ông Trần Hữu Lộc ký với tư cách là phó chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Cà Mau. Ông Lộc cũng là chấp hành viên đã chấp nhận tư cách ông Nhân hôm 9-7-2019, trước khi buổi đấu giá diễn ra.

Ở một diễn biến khác, vào ngày 5-4-2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau có thông báo kết quả giải quyết tin báo tội phạm cho Công ty Nông sản Cà Mau. Nội dung thể hiện: Công an kết luận không có cơ sở nói cuộc đấu giá này có sự thông đồng, dìm giá. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, ông Nhân có cổ phần 60% bên Công ty Kim Hưng Phú. Điều này là “chưa đảm bảo tính độc lập, khách quan trong đấu giá tài sản”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm