Chiều 27-7, đúng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, tại hội trường phường 5 (TP Cà Mau), các cơ quan chức năng đã tổ chức lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lữ Anh Dồi.
Đến dự có lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, TP Cà Mau, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, lãnh đạo biên phòng tỉnh Cà Mau và chính quyền, người dân phường 5 cùng nhiều thân nhân của gia đình bà Nguyễn Thị Mai, vợ liệt sĩ Lữ Anh Dồi.
Lời cảm ơn đầy nước mắt
Tại buổi lễ, ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lữ Anh Dồi cho bà Nguyễn Thị Mai trong tiếng vỗ tay và những giọt nước mắt của bà Mai, người thân và người dân nơi bà Mai sinh sống.
Trong niềm xúc động to lớn, bà Nguyễn Thị Mai nói: “Thật sự hôm nay tôi rất lấy làm vinh dự khi được nhận bằng Tổ quốc ghi công cho chồng tôi”.
Bà Mai đã bày tỏ sự biết ơn đến những ân nhân đã giúp đỡ mình trong suốt cuộc hành trình đi đòi lại công lý và đấu tranh tìm lẽ công bằng cho chồng mình. Những “đại ân nhân đó”, như lời bà Mai là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người đã mở đường để giải oan cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi. Tiếp đó là ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, người đã lắng nghe tận tâm câu chuyện đằng đẵng đi tìm công lý cho chồng của bà. Đó là những người đồng hành cùng bà ở tận Tây Nguyên hay tại quê hương Minh Hải cùng các cấp lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau, các thân bằng quyến thuộc gần xa… “Các vị ân nhân này đã giúp tôi vượt qua được chặng đường đen tối của cuộc đời… Tôi xin cảm tạ!” - bà Mai nói trong nước mắt.
Bà Nguyễn Thị Mai nhận bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lữ Anh Dồi trong niềm xúc động. Ảnh: TRẦN VŨ
Bà Mai cũng không quên cảm ơn Bộ Quốc phòng, cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ cùng cơ quan, ban, ngành đã tận tình xem xét cho câu chuyện trắc trở khi tìm lại công bằng cho chồng mình. “Nhờ sự công tâm, tận tình suy xét đó mà chồng tôi hôm nay đã được giải hết mọi oan khuất, lấy lại danh dự” - bà Mai nói và bày tỏ: “Mong rằng quý lãnh đạo, các vị ân nhân sẽ tiếp tục là niềm tin, là ánh sáng để cho những người bất hạnh như tôi làm chỗ dựa”.
Bà Mai cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng bà trong suốt hành trình đằng đẵng mấy mươi năm qua. “Tôi cũng mong rằng báo chí luôn đứng về công lý như thời gian qua để chúng tôi có lòng tin sống, có nghị lực vượt mọi khó khăn, gian khổ. Một lần nữa, tôi không biết nói gì hơn. Tôi xin cảm ơn!”.
Trong lúc này, phía dưới hội trường, người em trai út của Lữ Anh Dồi và nhiều thân nhân đã khóc rất nhiều.
Hành trình có hậu sau 38 năm ròng rã
Trước đó, sáng sớm cùng ngày, căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Mai (phường 5, TP Cà Mau) đã mở rộng cửa đón chờ những người thân và các ân nhân đến để chứng kiến cô nấu mâm cơm cúng chồng nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ.
Từ hơn một tuần qua, từ ngày cô nghe tin Thủ tướng đã ký quyết định công nhận liệt sĩ cho chồng, cô vẫn chưa ăn ngon ngủ yên vì nỗi chờ đợi.
Cô bồi hồi nhớ lại 38 năm trước, khi ba đứa học trò cũ tìm đến cô báo tin chồng cô - Thiếu úy Lữ Anh Dồi bị giết vì tội phản quốc. Cô khụy xuống mà nước mắt không trào ra được. Và từ đó cuộc đời cô, cho đến hôm nay gần như gắn với cuộc hành trình đội đơn kêu oan cho chồng.
Với những quan điểm khác nhau về vụ án vô cùng phức tạp, cơ quan chức năng có lúc thấy Anh Dồi xứng đáng, có lúc lại thấy không. Cô theo đó mà có khi hôm trước khóc vì tin mừng, hôm sau lại khóc vì thất vọng. Những ngày tháng ngột ngạt như vậy cứ trải qua cuộc đời cô suốt 38 năm qua.
Cho đến 10 giờ ngày 27-7-2017, cán bộ phường đến mời bà Mai đến hội trường phường để nhận bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lữ Anh Dồi. Mọi người vỡ òa vui sướng. Cái giờ phút ấy, cái giờ phút cô đã trông đợi mấy mươi năm qua cuối cùng cũng đến.
Cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lữ Anh Dồi mà nước mắt bà Mai cứ rơi suốt trong buổi lễ đầy ý nghĩa với cuộc đời của người phụ nữ 38 năm đi tìm công lý, lẽ công bằng cho chồng mình.
Năm 1979, Thiếu úy Lữ Anh Dồi bị giết với lý do phản quốc nên bị thủ tiêu. Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, đội đơn kêu oan suốt gần 10 năm mới đưa vụ án của chồng ra ánh sáng. Hai người chủ mưu sát hại ông Lữ Anh Dồi bị tòa kêu án giết người với mức án nghiêm khắc. Tiếp đó, người vợ này lại đội đơn đòi danh dự liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi. Bà phải mất thêm 28 năm mới đòi được liệt sĩ cho chồng. Đến nay bà vẫn một mực thờ chồng, chưa một lần tái giá. Kỷ vật ngày cưới là chuỗi hạt màu đen bà vẫn giữ mãi và chỉ luôn đem ra đeo trong những ngày trọng đại. |