Muôn vàn lý do
Không ít trẻ tự hành xác chỉ vì buồn bực, phản đối ba mẹ cấm đi chơi điện tử với bạn bè; có em chỉ để chống lại sự đối xử bất bình đẳng của ba mẹ, do ganh tị với người em luôn được ba mẹ ưu tiên, khen ngợi; nhưng cũng có trường hợp phát xuất từ sự lo lắng bởi thay đổi của cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì. Từ ngày có kinh nguyệt và cơ thể phổng phao lên, Thanh An (14 tuổi, Biên Hoà, Đồng Nai) luôn có cảm giác căm ghét cơ thể mình. Trong đầu em luôn nghĩ đến việc tìm cách tự làm tổn thương bản thân.
Trường hợp của Hải (13 tuổi, Dĩ An, Bình Dương) càng kỳ quặc: được ba mẹ bố trí ở một phòng riêng để hình thành tính tự lập, nhưng do hiểu lầm thành bị ba mẹ bỏ rơi nên em lấy dao... cắt tay mình. Tận mắt chứng kiến cảnh Thanh Hùng (14 tuổi, Long Thành) lấy điếu thuốc cháy dở dí vào cánh tay tạo thành chữ “hận đời” mà chúng tôi thấy đau lòng. Nguyên nhân chỉ là Hùng nghĩ mình bị nhóm bạn tẩy chay, không cho tham gia một trò chơi mạo hiểm, lại thêm ba mẹ cấm đoán. Hùng tâm sự: “Cảm giác đau buốt đó giúp em vơi bớt sự căng thẳng, lo âu, thấy mình không bị áp đảo bởi ba mẹ hay bạn bè”. Hùng chỉ ước nếu ba mẹ cho đi xe máy đến trường, em sẽ có xe để “tận hưởng” cảm giác mạnh hoặc sẽ dùng chất gây nghiện để chứng tỏ mình. Thực tế thì em đang tập hút thuốc, uống rượu để “chống đối” ba mẹ. Theo tiến sĩ giáo dục Nguyễn Minh Thức – đại học Nguyễn Huệ thì “Ở tuổi dậy thì, lòng tự ái và cái tôi chiếm vị trí quan trọng. Các em muốn được mọi người quan tâm, muốn được khẳng định mình, nếu không được thoả mãn các em thường phản ứng mạnh với người khác hoặc với chính bản thân”. Các nhà nghiên cứu tâm lý Canada đã cảnh báo một xu hướng đáng lo ngại về tình trạng tự gây thương tích đang lây lan qua các đoạn phim trên mạng YouTube, có thể kích động những người có chấn thương tâm lý tương tự, và cũng có thể khiến những người trẻ tuổi suy nghĩ rằng hành vi ấy là bình thường. Những em sống trong gia đình không được ba mẹ quan tâm, chăm sóc đầy đủ, nhất là trong gia đình có bầu không khí căng thẳng như ba hoặc mẹ nghiện rượu, nghiện hút, bạo lực gia đình... thường có xu hướng hình thành những hành vi tự gây tổn thương để phản kháng. Ngược lại, không ít trẻ do ba mẹ nuông chiều quá mức, khi muốn gì đó nhưng chưa được đáp ứng kịp thời cũng nảy sinh hành vi tự làm tổn thương để gây chú ý. Giải pháp nào?Ở tuổi dậy thì, các em đang phát triển mạnh mẽ về thể chất cũng như tâm lý. Tuy nhiên, do về mặt xã hội các em còn non kém, khả năng điều chỉnh, kiềm chế cảm xúc rất hạn chế. Nên trước hết các bậc phụ huynh cần thường xuyên tiếp xúc với các em hơn nữa, trao đổi chân thành như những người bạn, tế nhị chỉ dẫn cho trẻ những biểu hiện mới lạ của cơ thể để các em khỏi bỡ ngỡ, quen dần và tự hào vì mình sắp trưởng thành. Chúng ta không nên “úm” hay thả một cách “tự nhiên” mà phải làm điểm tựa hỗ trợ cho các em khi gặp khó khăn. Ba mẹ phát huy tính tự lập, làm chủ của trẻ bằng cách giao cho các em những nhiệm vụ vừa sức, khuyến khích các em tự quyết định những việc làm phù hợp với lứa tuổi như lựa chọn tài liệu tham khảo, mua sắm áo quần hay đồ dùng cá nhân. Tạo điều kiện để trẻ tham gia bàn bạc những việc lớn trong gia đình để khẳng định mình. Những nội dung nào cấm đoán trẻ thì đòi hỏi phải giải thích rõ ràng, cụ thể, thuyết phục các em phải biết chấp nhận, không phải đòi hỏi nào cũng có thể đáp ứng. Đối với những hành vi sai trái của trẻ, người lớn phải nhẹ nhàng nhắc nhở, khéo léo tâm sự để các em vừa thấy được tôn trọng, vừa nhận ra được lỗi của bản thân. Ba mẹ không nên nhắc đi, nhắc lại nhiều lần hành vi sai trái trẻ mắc phải trước đó. Nhất là tránh phê phán trẻ trước đám đông, vì các em dễ bị tổn thương, càng có nhiều hành vi sai lệch để chống đối không thể kiểm soát được.
Lê Phạm Phương Lan (giảng viên tâm lý)
Theo SGTT