Tại 66 điểm cầu trong cả nước, các đại biểu đã nghe và thảo luận Báo cáo tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp của các tòa án trong thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong thời gian tới. Và một số tòa tại các tỉnh, thành trình bày các tham luận liên quan đến kết quả cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị mình.
Ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao phát biểu tại hội nghị.
Cạnh đó, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và quản lý khoa học của TAND Tối cao thông tin về những nội dung chủ yếu của việc tổ chức các tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21-1-2016 của chánh án TAND Tối cao, trong đó có Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.
Phát biểu chỉ đạo, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh: "Giao Vụ Tổng hợp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án để có thể tiến tới triển khai tòa án điện tử vào năm 2020. Trước mắt, cần nghiên cứu, hướng dẫn quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hành chính về việc gửi và nhận đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử; trên cơ sở đó triển khai thực hiện thí điểm việc này tại một số tòa án có đủ điều kiện".
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TP.HCM
Riêng về tổ chức Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, chánh án đề nghị TAND TP.HCM cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Tòa Gia đình và Người chưa thành niên trong cơ cấu tổ chức bộ máy của tòa vào tháng 4 tới. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để tổ chức tại các tòa án khác...