Ngày 31-10, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM phối hợp với cơ quan BHXH TP.HCM tổ chức Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP”.
Hội nghị nhằm giải đáp những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về trích nộp BHXH và giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ).
Quyền lợi của NLĐ nữ khi sinh con
Tham gia buổi đối thoại, một đại diện Công ty TNHH TODA Việt Nam thắc mắc: Đối với các đối tượng là người thử việc, người đang hưởng lương hưu, NLĐ nữ nghỉ thai sản, NLĐ nghỉ ốm dài ngày, NLĐ nghỉ không lương thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có phải đóng BHXH bắt buộc cùng kỳ lương cho NLĐ không?
Liên quan đến vấn đề này, đại diện BHXH TP.HCM cho biết tại Điều 168 Bộ luật Lao động quy định về tham gia BHXH, BHYT, BHTN quy định NSDLĐ, NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN. Khi tham gia các loại bảo hiểm, NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN.
Trong thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ BHXH thì NSDLĐ không phải trả lương cho NLĐ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (trong thời gian thử việc, đang hưởng lương hưu), BHYT, BHTN thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho NLĐ. Khoản tiền này tương đương với mức NSDLĐ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định của pháp luật.
Một đại diện doanh nghiệp hỏi rằng một NLĐ nữ đang nghỉ thai sản và đã nhận trợ cấp thai sản là sáu tháng thai sản theo quy định. Tuy nhiên, khi nuôi con đến tháng thứ hai thì con mất. Như vậy, doanh nghiệp có cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chế độ sáu tháng thai sản thành chế độ con mất dưới hai tháng không?
Cơ quan BHXH TP.HCM thông tin đối với trường hợp NLĐ nữ sinh con mà bị mất sau hai tháng thì doanh nghiệp không cần điều chỉnh chế độ thai sản đã được giải quyết.
Đồng thời, một doanh nghiệp khác cũng đặt câu hỏi nếu NLĐ nữ sinh con và muốn đi làm sớm thì có được giải quyết chế độ thai sản một lần là sáu tháng không?
Cơ quan BHXH TP.HCM cho biết NLĐ nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được bốn tháng nhưng NLĐ phải báo trước, được NSDLĐ đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do NSDLĐ trả thì NLĐ nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
Tham gia BHXH là sự chia sẻ
Tại buổi đối thoại, một số doanh nghiệp cũng có ý kiến về việc hiện nay đối với chế độ như tử tuất, mai táng phí, trợ cấp thai sản đối với NLĐ nam khi vợ sinh con thì vẫn áp dụng mức hưởng theo lương cơ sở. Tuy nhiên, đối với mức đóng các loại bảo hiểm thì đều dựa trên mức lương tháng của NLĐ. Vậy luật quy định vấn đề này ra sao?
Ngoài ra, đối với giải quyết chế độ ốm đau, nếu thời gian NLĐ ốm đau trùng vào những ngày nghỉ phép năm, lễ, Tết và được NSDLĐ trả lương thì không được hưởng chế độ...
Về vấn đề trên, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, thông tin: Theo quy định của Luật BHXH thì BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng vào Quỹ BHXH.
Trợ cấp BHXH là khoản bù đắp những thiếu hụt về thu nhập cho NLĐ, do NLĐ trong quá trình lao động chẳng may ốm đau, thai sản, tử tuất.
Khoản 1 Điều 5 Luật BHXH quy định mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.
Về trợ cấp tuất hằng tháng được căn cứ theo quy định tại các điều 67 và 68 Luật BHXH. Cụ thể, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở…
“Trợ cấp BHXH là khoản bù đắp những thiếu hụt về thu nhập cho NLĐ, do NLĐ trong quá trình lao động chẳng may ốm đau, thai sản, tử tuất. Như vậy, về nguyên tắc là những khoản trợ cấp trả thay lương. Nếu những trường hợp có lương rồi thì chúng tôi sẽ không trợ cấp. Ngoài ra, đóng BHXH là sự chia sẻ bởi tiền thu về lại tiếp tục chi trả cho NLĐ khác khi gặp ốm đau…” - ông Hà nói.•
Cách tra cứu thông tin khi không có thẻ BHYT giấy
Một vấn đề khác được một doanh nghiệp đề cập đến là việc cấp thẻ BHYT giấy, hiện tại quy định khi đăng ký mới không cấp thẻ giấy. Tuy nhiên, một số NLĐ mới tham gia BHYT tại doanh nghiệp không có điện thoại thông minh, không cài đặt ứng dụng VssID nên cũng mong muốn được có thẻ giấy để biết mình tham gia bệnh viện nào để đi khám cho tiện.
Cơ quan BHXH TP.HCM trả lời: Ứng dụng VssID được sử dụng để thay thế thẻ giấy. Ứng dụng này cho phép người dùng tra cứu một số thông tin (mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT…), đồng thời cho phép giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của NSDLĐ, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm đầy đủ các quyền lợi liên quan cho NLĐ.
Nếu người tham gia không có thẻ giấy thì có thể tra cứu thông tin BHYT của cá nhân trực tuyến bằng cách truy cập link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx và điền đầy đủ thông tin hệ thống yêu cầu.
Trong trường hợp người tham gia BHYT yêu cầu cấp thẻ giấy, cơ quan BHXH vẫn tiếp nhận và cấp thẻ giấy để sử dụng.