'Trong khó khăn phải dựa vào dân, dựa vào sức sáng tạo'

Sáng 9-10, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã Tổng kết phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đ Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Giao lưu với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: THANH TUYỀN

“Trong khó khăn, phải dựa vào dân”

Phát biểu tại buổi tổng kết, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đánh giá cao nỗ lực để đạt được kết quả, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của MTTQ các cấp cùng các thành viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đội ngũ mặt trận đã cùng vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch đồng thời hết sức khẩn trương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giãn cách xã hội. Qua đó triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất.

Về kết quả 200 ngày thực hiện phong trào thi đua, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, đó là tiền đề thuận lợi để hoàn thành các chỉ tiêu đã đăng ký mà Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam TP.HCM đã đề ra.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM rút ra bốn bài học qua 200 ngày thi đua, trong đó có bài học "trong khó khăn phải dựa vào dân". Ảnh: THANH TUYỀN

Với kết quả đạt được, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cũng rút ra bốn bài học về việc thực hiện phong trào thi đua:  

Thứ nhất, trong khó khăn phải dựa vào dân, đồng thời dựa vào sức sáng tạo của hệ thống chính trị các cấp, của tập thể cán bộ, của cán bộ viên chức.

“Nếu chúng ta đưa ra định hướng đúng thì người dân sẽ tham gia cùng với mình. Lực lượng công nhân, nông dân trí thức sẽ ủng hộ và chúng ta sẽ làm được nhiều việc từng nghĩ là khó có thể làm được”- bà Châu nói.

Thứ hai, để hoạt động thi đua có tác dụng tốt thì phải thấm sâu đến từng cơ sở, đến từng người dân, cán bộ.

Thứ ba, phải bám sát cơ sở, có kế hoạch kiểm tra, có kế hoạch giám sát, kế hoạch sơ kết từng đợt để từ đó đề ra những giải pháp cụ thể cho chặng đường tiếp theo.  

Thứ tư, việc đổi mới phương thức, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên phải dựa vào dân, gắn với nhân dân; trong đó đặc biệt là phải phối hợp với chính quyền.

“Việc mà chính quyền tổ chức, người dân đồng tình thì sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Vấn đề ở đây là được người dân đồng thuận, người dân thụ hưởng, người dân giữ gìn thì vừa duy trì được kết quả, vừa giúp các mô hình được lan toả sâu rộng. Các cấp chú ý đến vấn đề này để tổ chức phong trào thi đua ngày càng hiệu quả hơn, thực chất hơn”-  bà Châu lưu ý.

Từ đó, bà kêu gọi các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân TP tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, tích cực thi đua, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác, góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, hiện đại, nghĩa tình.

5 phương hướng trọng tâm đến cuối 2020

Tại buổi tổng kết, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đã đưa ra 5 phương hướng trọng tâm đến cuối năm 2020 để tập thể mặt trận cùng phấn đấu.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về đợt thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp, chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam; qua đó tăng cường vận động trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, tạo không khí phấn khởi, đồng lòng chào mừng ĐH Đảng TP và ĐH Đảng toàn quốc.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19, phấn đấu thực hiện duy trì từ 1800 khu phố, ấp trở lên tiếp tục đảm bảo tiêu chí “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”; đến cuối năm 2020 có 2500 điểm “xanh – sạch – đẹp” tại khu dân cư.

Thứ ba, tiếp tục duy trì thực hiện Chỉ thị 23, vận động nhân dân tiếp tục đảm bảo tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn TP,  quan trọng là sự phát hiện ở khu phố, tổ dân phố.

Thứ tư, tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong giai đoạn mới, quan tâm, nắm tình hình và hỗ trợ cho doanh nghiệp, chuẩn bị các nguồn lực hỗ trợ; chăm lo Tết cho người dân nghèo...

Thứ năm, tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ các hoạt động để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nắm chắc tình hình địa phương để tiến tới chào mừng Đại Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.  

Thứ sáu, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, gương điển hình từ phong trào thi đua; thực hiện việc bình xét, lựa chọn, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời, chính xác cho các tập thể cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua...

Tại buổi tổng kết, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tặng bằng khen cho 41 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua 200 ngày. Ảnh: THANH TUYỀN

Hoàn thành tốt 3 nội dung chính trong 200 ngày

Trong 200 ngày qua, phong trào thi đua trong hệ thống MTTQ TP tập trung vào 3 nội dung: thực hiện Chỉ thị 19, Chỉ thị số 23 và triển khai các hoạt động của chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Về kết quả thực hiện Chỉ thị 19: MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở đã tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều nội dung bám sát tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 19, vận động các hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cửa xả, hố ga thoát nước và hệ thống sông, kênh, rạch...

Nhiều phong trào, mô hình, công trình tại cộng đồng dân cư được hình thành, duy trì và phát huy hiệu quả: phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn”, “Tuyến đường hoa”, mô hình “Đổi rác thải tái chế lấy hoa trang trí Tết”, công trình “Xóa các điểm đen về rác”...

Cạnh đó, MTTQ TP đã tổ chức hai đoàn giám sát, sáu đoàn khảo sát các mô hình thực hiện Chỉ thị 19; khảo sát thực tế tạo 23 quận, huyện và gần 50 phường- xã với nhiều công trình, mô hình đa dạng.

Về việc thực hiện Chỉ thị số 23: MTTQ TP và các cấp thường xuyên tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân trong việc lập lại trật tự xây dựng; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát các cơ quan nhà nước trong quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; quan tâm hướng dẫn đoàn viên, hội viên thủ tục xin cấp phép xây dựng nhà ở, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tại các phường, xã, thị trấn, MTTQ đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 1.769 tổ giám sát của cộng đồng tại khu phố, ấp; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và phản ảnh kịp thời chính quyền; đồng thời giám sát việc xử lý của chính quyền qua phản ảnh của tổ giám sát, phát huy vai trò dân chủ cơ sở của người dân...

Về kết quả thực hiện chủ đề năm 2020: MTTQ tập trung tuyền truyền vào các nội dung xây dựng nếp sống văn hóa công cộng, hành vi ứng xử có văn hóa trong cuộc sống hàng ngày; giáo dục ý thức, xây dựng thói quen đọc sách, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật...

Đặc biệt, việc phối hợp tổ chức đón tiếp và giao lưu với đoàn đại biểu 100 già làng, trưởng bản tiêu biểu các dân tộc vùng biên giới –lịch sử cách mạng phía Bắc là hoạt động thiết thực; là sự kiện văn hóa tiêu biểu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ vững an ninh trật tự, đồng thời tích cực đấu tranh chống lại những tư tưởng, thông tin lệch lạc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm