Với việc ngang nhiên đệ trình việc Việt Nam can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí trái phép của giàn khoanHải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc vào ngày 9/6, Trung Quốc đã quyết định quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Trước đó, ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981: Những hành động khiêu khích của Việt Nam và quan điểm của Trung Quốc”, trong đó vu cáo Việt Nam tiến hành những hành động khiêu khích xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 và cung cấp “những thông tin đầy đủ nhất từ trước đến nay về chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa”.
Sau đó, vào tối 9/6, tuyên bố trên đã được đăng tải trên trang web của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc và Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Vương Minh đã đệ trình tuyên bố nói trên lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon và yêu cầu ông Ban Ki-moon phổ biến tuyên bố này đến tất cả các thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Rõ ràng, quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề Biển Đông lên Liên Hợp Quốc là rất khó hiểu nhất là khi Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các nước kiện mình cũng như các bên thứ 3 như Mỹ trong nhiều vụ tranh chấp trên biển liên quan đến chính vấn đề Biển Đông.
Nhiều hành động của Trung Quốc đã khiến rất nhiều nước trên thế giới chỉ trích nước này bao gồm cả việc đưa vấn đề này lên các diễn đàn quốc tế như Đối thoại Shangri-La hay Hội nghị Cấp cao ASEAN.
Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đã từ chối tham gia vụ Philippines kiện nước này lên Tòa án Trọng tài của Liên Hợp Quốc về tranh chấp lãnh hải giữa hai nước.
Ngoài ra, chính Trung Quốc đã từng yêu cầu các nước có căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông tham gia giải quyết các vấn đề chủ quyền trên biển thông qua cơ chế đối thoại song phương nhằm tận dụng tối đa ưu thế của mình để áp đặt các nước láng giềng.
Trên thực tế, quyết định của Trung Quốc trong việc đưa vụ việc này lên Liên Hợp Quốc đã phản ánh lo ngại của nước này khi các nước láng giềng quyết tâm sử dụng luật pháp quốc tế để đối chọi lại với ưu thế về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Ngoài vụ Philippines kiện Trung Quốc đã nêu ở trên, Việt Nam cũng đã tính đến việc kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa sau việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam vào đầu tháng 5.
Tờ Diplomat nhận định, khi tiến hành việc này, Việt Nam nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản, Australia và Mỹ cùng nhiều nước khác.
Ngoài việc tích cực đưa vấn đề này lên các tổ chức Quốc tế và cố “ngụy tạo” những bằng chứng về chủ quyền của mình, Trung Quốc còn đang gây sức ép nhằm buộc Việt Nam phải ngừng đưa vụ việc này ra xử theo đúng luật pháp quốc tế.
Chiến thuật này của Trung Quốc thể hiện rất rõ ràng thông qua việc Trung Quốc liên tục đưa ra những thông tin “vô căn cứ” về chủ quyền của mình củng như nỗ lực nhằm đưa những “tuyên bố chủ quyền” kiểu này của Trung Quốc vào các công ước quốc tế, như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Chiến thuật này dường như có tác dụng trong vụ việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc tự cho rằng những căn cứ để nước này tuyên bố chủ quyền là rất rõ rệt.
Điều này khiến Trung Quốc ảo tưởng rằng vì sợ thua cuộc, Việt Nam không dám kiện mình lên Tòa án Trọng tài Quốc tế cũng như kéo theo việc các nước khác cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đây có thể là một “canh bạc tất tay” của Trung Quốc bởi điều này sẽ khiến Trung Quốc đánh mất uy tín của mình trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng luật pháp quốc tế.
Điều này là bởi, không chỉ trong vụ quần đảo Hoàng Sa, “đường lưỡi bò”- do phía Trung Quốc đơn phương tuyên bố, về cơ bản cũng khiến quốc tế rất bất bình và vi phạm luật pháp quốc tế.
Chính vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ phải cân nhắc khi liều lĩnh tạo ra những tiền lệ mà chính nước này sẽ không muốn phải đối mặt trong rất nhiều vụ việc tương tự./.