Tờ Tân Hoa Xã hôm nay trích dẫn một bài viết của giáo sư Gong Yingchun, vốn là giảng viên khoa Luật quốc tế, trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc. Trong bài viết của mình, ông Yingchun tiếp tục những lời lẽ vô căn cứ về việc chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa đã được thiết lập từ khoảng thế kỷ thứ 10, song lại không có một căn cứ gì được dẫn chứng.
Ông Yingchun cũng nói rằng khoảng năm 1934-1935, trong khi đi thực hiện một cuộc kiểm tra trên biển, nhóm công tác đặc biệt của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và hải quân Trung Quốc đã vẽ và đặt tên các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa…và gọi đây là “bằng chứng rõ ràng” chủ quyền của họ trên quần đảo này.
Trong khi đó, tác phẩm Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo soạn vào thế kỷ XVII có bản đồ nước An Nam từ thế kỷ XV, trên đó đã chỉ rõ quần đảo Hoàng Sa trong Biển Đông dưới tên gọi Bãi Cát Vàng thuộc phủ Quảng Nghĩa.
Bản đồ của Đỗ Bá có 3 chữ Nôm Bãi Cát Vàng ở dưới. Ảnh: Tư liệu
Trong bài viết của mình, giáo sư Yingchun đưa ra một thông tin quan trọng. Đó là, trước sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, vị này giải thích đó là hành động “tự vệ”. Theo Hiến chương LHQ, chiếm đóng bằng bạo lực không mang lại chủ quyền nhưng ông Yingchun lại viện dẫn điều 51 Hiến chương LHQ rằng một nước có chủ quyền có quyền tự vệ để duy trì tính toàn vẹn lãnh thổ của mình. Do đó, hành động của Trung Quốc năm 1974 là dùng quân sự để chống lại quân đội của Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ “lãnh thổ” của họ.
Các đảo nhỏ trong quần đảo Hoàng Sa
Trên thực tế, chưa một quốc gia hay điều khoản nào trong luật pháp quốc tế công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ cố hữu của Việt Nam. Do đó, thực chất hành động của Trung Quốc chỉ là lợi dụng thời điểm lịch sử đó để đưa quân đội vào chiếm đóng bất hợp pháp. Những lý lẽ, hay nói đúng hơn là lời lẽ của giáo sư Yingchun chỉ khẳng định một lần nữa: Trung Quốc đã thực sự dùng đến vũ lực để có được Hoàng Sa.
An Khương