Luật sư Nguyễn Bá Diến. Ảnh: VGP/Mai Anh |
Bởi vì, Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của mình trên Biển Đông. Đây chính là điểm mạnh của chúng ta, các quốc gia khác không có được.
Theo PGS-TS. Luật sư Nguyễn Bá Diến, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là một nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược đối với không những trong giai đoạn hiện nay mà còn có ý nghĩa lâu dài, có tích chất sống còn. Để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược này, cần có những giải pháp mang tính tổng quát để giải quyết một cách toàn diện trên tất cả các mặt trận: Pháp lý, chính trị-ngoại giao, kinh tế, an ninh-quốc phòng...Trả lời báo giới quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu “Việt Nam cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”. Đây là phát biểu thể hiện tâm thế chính nghĩa của Việt Nam, thể hiện sự nghiêm túc của chúng ta trong xử lý, giải quyết các vấn đề tranh chấp nói chung và tranh chấp trên biển nói riêng.
Trong lời phát biểu của Thủ tướng cũng có nghĩa chúng ta phải áp dụng mọi biện pháp để tự vệ, trong đó có giải pháp pháp lý. Điều này thể hiện vị thế vừa tự tôn, vừa đĩnh đạc, vừa nghiêm túc nhưng đồng thời cũng thể hiện được rằng sử dụng giải pháp pháp lý là giải pháp văn minh và đây là điều bất đắc dĩ chúng ta phải sử dụng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam (qua các thời kỳ) đã chiếm hữu thật sự và công khai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi mà các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Từ đó đến nay, suốt trong mấy thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự và liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Việc xác lập chủ quyền biển, đảo Việt Nam phù hợp các quy định quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982, hệ thống pháp luật biển, đảo Việt Nam xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển: nội thủy, lãnh hải (thuộc chủ quyền), vùng tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán).
Nhưng hiện nay hai quần đảo này đang bị chiếm đóng hoàn toàn (quần đảo Hoàng Sa) hoặc chiếm đóng một phần (quần đảo Trường Sa) một cách bất hợp pháp khiến cho quá trình thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam bị cản trở, thậm chí bị xâm phạm nghiêm trọng.
Đặc biệt, ngày 7/5/2009, Trung Quốc công khai đường yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei trong các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; các quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác trên khu vực Biển Đông.
Gần đây nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép và duy trì giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí nằm hoàn toàn trong giới hạn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, cách ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý), bất chấp luật pháp quốc tế, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và thế giới. Đây là hành vi ngang ngược chưa từng thấy.
PGS. TS. Luật sư Nguyễn Bá Diến khẳng định, chúng ta có chính nghĩa, có đạo lý và pháp lý.
Ngày nay, các quan hệ quốc tế được đa dạng hóa, đa phương hóa. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 180/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Đó là những tiền đề thuận lợi cho việc huy động và kết hợp chặt chẽ hai nguồn lực to lớn - sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại - trong sự nghiệp bảo vệ đất nước hiện nay.
Việt Nam có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thông qua việc tận dụng, phát huy các thế mạnh về cơ sở pháp lý và lịch sử đang có. Hơn nữa, thông qua việc sử dụng các luận cứ, luận chứng pháp lý được xây dựng trên cơ sở pháp luật quốc tế - cán cân công lý của thời đại, được cả cộng đồng quốc tế xây dựng và tuân thủ càng tiếp thêm sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.
Theo Mai Anh (ghi) / Chinhphu.vn