Ba ngự lâm quân trên bầu trời
Trên tài khoản mạng xã hội, không quân Trung Quốc ngày 19-1 đăng tải một video cho thấy hai tiêm kích tàng hình J-20 Uy Long tác chiến cùng ba máy bay chiến đấu hiện đại khác (hai tiêm kích J-16 và một tiêm kích J-10C).
Bộ ba tiêm kích hiện đại này nằm một phần trong máy bay thế hệ mới của không quân Trung Quốc có khả năng đối đầu trực diện với những nền quân sự mạnh nhất thế giới, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nhấn mạnh. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, chúng được mệnh danh là “ba chàng lính ngự lâm trên bầu trời”.
Đội bay tác chiến "ba chàng lính ngự lâm trên không" của Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK
Trong video do không quân Trung Quốc công bố hôm 19-1, hai chiếc J-20, hai chiếc J-16 và một chiếc J-10C có thể được nhìn thấy đang bay trong một đội hình tác chiến. Năm 2018, Trung Quốc cũng cho thử nghiệm đội hình tác chiến gồm một J-10, một J-16 và một J-10C.
“Đây là chỉ dấu cho thấy những chiếc tiêm kích J-20 của Không đoàn Vọng Hải đang đạt được những tiến triển nhịp nhàng trong không quân Trung Quốc khi hoạt động tác chiến của chúng đã bước vào giai đoạn mới thể hiện năng lực tác chiến toàn diện” - tờ Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết.
Nói với Thời Báo Hoàn Cầu ngày 20-1, chuyên gia phòng không Fu Qianshao cho hay cuộc tập trận này nằm một phần trong chương trình chiến thuật mới đang được không quân Trung Quốc khai phá để thử nghiệm khả năng của J-20.
Theo ông Fu, không quân Trung Quốc đã thử nghiệm các chiến thuật với tiêm kích J-20 và các loại tiêm kích khác trong các cuộc bay tập trận trước đó và đã thu được một số kinh nghiệm trong việc chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và tấn công trên biển.
Tiêm kích J-16 của Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK
Mặc dù J-20 hiện đại hơn J-16 và J-10C nhưng chúng có cùng các công nghệ hiện đại như hệ thống điện tử hàng không và radar quét mảng pha chủ động, ông Fu tiết lộ.
Tiêm kích J-16, loại máy bay ít tàng hình nhất trong số ba loại trên, có thể dẫn đầu cuộc tấn công và công khai sử dụng radar để phát hiện các mục tiêu, thu hút sự chú ý của quân địch. Trong khi đó, tiêm kích tàng hình J-20 có thể lởn vởn gần đó và bất ngờ tung ra đòn tấn công bằng tên lửa khi đối phương đang nhắm bắn J-16, chuyên gia Fu cho hay.
Ông Fu lưu ý tiêm kích J-10C được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy sẽ vượt trội trong các trận không chiến ở cự ly ngắn nhờ khả năng siêu cơ động.
Một chiến thuật khác là tiêm kích J-20 phá hủy các trung tâm chỉ huy chiến lược của quân địch, bao gồm các máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu, sử dụng khả năng tàng hình và rồi tiêm kích J-16 được trang bị nhiều vũ khí tấn công lực lượng trên mặt đất của đối phương bao gồm các trạm radar di động, trong khi tiêm kích J-10C đảm bảo kiểm soát trên không, giới chuyên gia nói với Thời Báo Hoàn Cầu.
Tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK
Tiêm kích J-20 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên năm 2011 và lần đầu được trình làng tại Triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2016. J-20 đi vào biên chế trong quân đội Trung Quốc năm 2017.
Theo hãng tin Sputnik, tiêm kích J-10C do Tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô phát triển. Đây cũng là đơn vị phát triển J-20. J-10C đi vào phục vụ năm 2006 và được phát triển như câu trả lời cho tiêm kích MiG-29 của Nga và F-16 của Mỹ.
Còn J-16 được cho sao chép mẫu tiêm kích Su-30MKK của Nga và được phủ lớp sơn hấp thụ sóng radar.
Thiếu hụt kinh niên
J-20 đi vào biên chế trong không quân Trung Quốc hồi tháng 3-2017 và hứa hẹn trở thành “xương sống” của nước này về khả năng tác chiến trên không. Tuy nhiên, chỉ có một số ít loại máy bay tàng hình này thực sự được chế tạo.
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 21-1 nhấn mạnh rằng Thành Đô được tin chỉ có khả năng sản xuất một chiếc J-20 mỗi tháng. Cây viết bình luận quân sự ở Hong Kong - ông Song Zhongping nói với SCMP rằng không quân Trung Quốc dự đoán cần khoảng 100-200 chiếc J-20 nhằm “tối đa hóa sự linh hoạt trong các sứ mệnh”.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã tăng cường đáng kể khả năng sản xuất tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II - đối thủ chính của J-20. Lockheed Martin đã chuyển đi 134 chiếc F-35 vào năm ngoái, tăng 47% so với năm 2018.
Ông Song nói với SCMP rằng mục đích của Bắc Kinh là chế tạo J-20 theo từng đợt nhỏ để có thể nâng cấp liên tục từng lô với công nghệ mới nhất.
“Khi có những cải tiến về công nghệ, đối với các biến thể thứ hai và thứ ba, việc sản xuất có thể đẩy mạnh đáng kể” - ông Song nói.
Bắc Kinh cũng đang cân nhắc phát triển một phiên bản J-20 ngắn hơn để trở thành máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay. Tuy nhiên, như hãng tin Sputnik cho biết trước đó, họ vẫn để ngỏ khả năng chọn FC-31, một loại máy bay tàng hình khác đang được phát triển hoặc một máy bay hoàn toàn khác.