Trung Quốc ngày 3-9 công bố video về biên đội bảy chiếc tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 lập đội hình lớn nhất từ trước tới nay trong một cuộc diễn tập, dường như để chuẩn bị cho lễ duyệt binh 1-10, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Không quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày 3-9 công bố video trên và được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia.
Biên đội bảy chiếc J-20 của Trung Quốc lập thành đội bay. Ảnh: SPUTNIK
Đoạn video kéo dài bốn phút, là một phần trong loạt phim tài liệu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và lực lượng không quân nước này. Một chuyến bay khác của J-20 dự kiến tham gia một cuộc duyệt binh kỷ niệm vào ngày 1-10.
Đây là biên đội bảy chiếc J-20 lập đội hình bay lớn chưa từng có. Hôm 1-8, đội hình bay lớn thứ hai gồm năm chiếc J-20 đã được tiết lộ trong một video do không quân Trung Quốc đăng tải.
“Các tiêm kích thường chỉ hoạt động theo biên đội hai hoặc ba chiếc trong điều kiện tác chiến thực tế. Video này nhằm thể hiện Trung Quốc đã chế tạo, đưa vào biên chế số lượng lớn chiến đấu cơ J-20 và chúng luôn sẵn sàng chiến đấu", chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hong Kong nhận định.
Được trình làng năm 2017, chiếc máy bay tàng hình hạng nặng hai động cơ J-20 là chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc. Với khung máy bay có tiết diện radar thấp, phủ bên ngoài là vật liệu tàng hình hấp thụ năng lượng và vũ khí có thể tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn, J-20 được Trung Quốc xem là đối thủ của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning của Mỹ.
Theo hãng tin Sputnik, là một máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, J-20 gần như có thể sánh ngang với tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin, đặc biệt là giờ đây các vấn đề về động cơ của nó đã được giải quyết. Giống như F-35, một phiên bản sửa đổi của J-20 đang được xem xét triển khai trên các tàu sân bay của Trung Quốc.
Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô được cho đã sản xuất khoảng 20 chiếc J-20 cuối năm ngoái, song một số vấn đề với động cơ máy bay đã làm trì hoãn việc sản xuất, theo SCMP.
Các kỹ sư Trung Quốc đang phát triển động cơ siêu tải WS-15 cho J-20, nhưng không kịp tiến độ. Vì vậy, các chuyên gia dự đoán J-20 chưa thể bắt đầu đi vào dây chuyền sản xuất trước năm sau.
Trước khi động cơ WS-15, tên mã là Emei, sẵn sàng, Trung Quốc cũng từng sử dụng động cơ WS-10B của nước này và động cơ AL-31FM2/3 do Nga sản xuất cho J-20, điều này đã làm giảm tính cơ động và khả năng tàng hình của J-20 ở tốc độ siêu âm.
Tiêm kích J-20. Ảnh: AMN
Tháng 7, Không quân Trung Quốc lần đầu tiên công bố hình ảnh một chiếc J-20 mang số hiệu của một đơn vị chiến đấu, dấu hiệu cho thấy chiến đấu cơ này đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm.
Trung Quốc công bố video trên vài ngày sau khi Mỹ thông báo sẽ bán 66 chiếc tiêm kích F-16V cho Đài Loan. Đồng thời Mỹ đang triển khai F-22 Raptor và F-35 Lightning II ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bán F-35 cho các quốc gia thân thiện.
Đến năm 2025, Mỹ cùng các đồng minh sẽ có 200 chiếc F-35 phục vụ trong khu vực, theo Đại tướng Charles Brown, Tư lệnh của Không quân Thái Bình Dương Mỹ.
Trước đó trong năm nay, ông Brown cho hay Trung Quốc – nước đang mở rộng nhanh chóng sức mạnh quân sự - đã đặt ra mối đe dọa “hiện hữu” đối với Mỹ và rằng F-35 được xem là biện pháp đối phó.
Nhật Bản đã mua tổng cộng 105 chiếc F-35 và 42 biến thể F-35B cất cánh ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Hợp đồng này giúp Tokyo trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất mua F-35.
Hồi tháng 4, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản đã tiếp nhận 13 chiếc F-35A. Cũng trong tháng này, một chiếc bị rơi khiến phi công thiệt mạng.
Không quân Hàn Quốc đã đặt mua 40 chiếc F-35A. Tám chiếc đã được bàn giao và 10 chiếc sẽ vào biên chế vào cuối năm nay.