Cố vấn Bolton mới đây lên tiếng cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ, cụ thể là công nghệ sản xuất tiêm kích tàng hình đa năng thế hệ thứ năm F-35.
Thăm Ukraine tuần trước, ông Bolton cho rằng một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới mà Trung Quốc đang phát triển “nhìn giống F-35 rất nhiều, bởi vì nó là F-35”, rằng “họ chỉ đánh cắp nó”.
Cố vấn Mỹ Bolton: Trung Quốc đánh cắp công nghệ F-35
Hiện tại, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm duy nhất hoạt động của Trung Quốc – mẫu máy bay Thành Đô J-20 hay còn được biết đến với tên Uy Long, nhìn rất khác F-35 của Mỹ. J-20 có 2 cánh nhỏ ở mũi – vốn không có ở các mẫu máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ. J-20 cũng lớn hơn F-35 và nặng hơn 50% so với F-35.
Tuy nhiên, mẫu máy bay mà ông Bolton muốn đề cập không phải là J-20 mà là chiếc tiêm kích tàng hình Thẩm Dương FC-31 còn được biết đến với tên J-31, hay Cốt Ưng vốn còn đang trong giai đoạn mẫu thử.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-31 của Trung Quốc trong một chuyến bay thử tháng 11-2014. Ảnh: THX
J-31 được Công ty Máy bay Thẩm Dương – một chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc - sản xuất, có chuyến bay thử đầu tiên năm 2012.
J-21 khác, giống gì F-35?
J-31 có nhiều đặc điểm tương đồng với F-35, dù J-31 có hai động cơ trong khi F-35 có một động cơ. F-35 có trọng lượng cất cánh từ 27 tấn đến 32 tấn, có tầm chiến đấu 2.200km, tốc độ tối đa đạt 1.930km. J-31 có trọng lượng cất cánh 25 tấn, có tầm chiến đấu 1.200km và tốc độ tối đa hơn 2.200km.
Trong khi các mẫu F-35A, F-35B và F-35C do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất có thể chở từ 6,8 tấn đến 8,1 tấn vũ khí thì J-31 có thể chở 8 tấn vũ khí, và có vòng đời tới 30 năm.
F-35 có đa dạng nhiều mẫu dùng cho Lục quân, Hải quân, Không quân Mỹ. J-31 của Trung Quốc chủ yếu được thiết kế sử dụng trong không quân. Khối lượng nhẹ hơn của J-31 cho phép nó có thể sử dụng được trên các tàu sân bay.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ tiêm kích tàng hình đa năng F-35. Ảnh: EPA
Từng có thông tin J-31 sẽ được sử dụng cho các tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc một khi mẫu máy bay này hoàn tất phát triển. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin quân sự gần đây thì có thể điều này sẽ không xảy ra. Lý do vì tiến trình phát triển, sản xuất J-31 chậm, cũng như bị vướng nhiều vấn đề về kỹ thuật. Thay cho J-31 sẽ là những chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Thành Đô J-20.
J-31 lợi thế thế nào so với F-35?
Tuy nhiên, Công ty Máy bay Thẩm Dương đang chuyển hướng tiếp thị mẫu máy bay J-31 xuất khẩu ra các nước khác. Một mẫu J-31 đã xuất hiện tại một cuộc triển lãm hàng không ở Paris (Pháp) hồi tháng 6.
Một quan chức từ Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc từng tham gia cuộc triển lãm cho biết tập đoàn hy vọng “sẽ chiếm được một ít thị phần thị trường máy bay quân sự của các nước phát triển”. Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng tự tin khẳng định J-31 sẽ là đối thủ đầy thách thức của F-35 trên thị trường vũ khí thế giới.
Mỹ gần đây ra chính sách hạn chế bán F-35 thậm chí đối với nhiều đồng minh thân thiết. Ảnh: EPA
Mặt rõ ràng nhất J-31 chiếm ưu thế hơn hẳn F-35 đó là giá bán. Giá bán một chiếc F-35 tầm 100 triệu USD/chiếc, nhưng giá bán của J-31 dự kiến chỉ tầm 70 triệu USD/chiếc.
Thêm nữa, Mỹ hiện tại đang hạn chế bán ra F-35, thậm chí với các đồng minh thân thiết. Chính sách này của Mỹ để lại một khoảng trống lớn trên thị trường mà Trung Quốc có thể khai thác một khi mẫu máy bay J-31 hoàn thành.