Cách hành xử hung hăng và đe dọa của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông có thể mang lại cho Trung Quốc cái được trước mắt. Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả là các nước châu Á lo ngại mối đe dọa từ Trung Quốc và sẽ đứng lại với nhau để chống lại nước này.
Bài viết với nhan đề “Cái giá phải trả cho chiến thắng không danh dự của Trung Quốc” của Phó Tổng biên tập Ankit Panda đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 10-6 đã đưa ra nhận định trên.
Tác giả Ankit Panda ghi nhận trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có hành động o ép các nước trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ví dụ như đưa tàu kiểm soát bãi cạn Scarborough, áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và gần đây nhất là đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Ngày 8-6, hải quân Việt Nam và hải quân Philippines giao lưu trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: AFP-TTXVN
Giờ đây các nước cảm nhận Trung Quốc như một kẻ ức hiếp trong khu vực. Thay vì sử dụng lập luận pháp lý, lúc nào Trung Quốc cũng viện dẫn tiền lệ lịch sử để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền.
Điều này phơi bày rõ qua lời lẽ đao to búa lớn của các quan chức quân đội và Quốc hội Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La vừa qua ở Singapore.
Cách hành xử như vậy chỉ khiến Trung Quốc bị các nước trong khu vực xa lánh trong khi cách tốt nhất để thu phục chính trị quốc tế là phải thu phục với danh dự, uy tín và uy thế.
Tác giả Ankit Panda cho rằng vẫn chưa quá muộn để Trung Quốc cứu vãn danh dự và có nhiều lý do để tin rằng Trung Quốc làm tốt điều này.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ tại hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) tại Thượng Hải rằng Trung Quốc có tham vọng trở thành nước lãnh đạo mẫu mực ở châu Á.
Ngay sau CICA, Đối thoại Shangri-La đã chứng kiến sự rạn nứt lớn giữa Trung Quốc và các nước châu Á. Tựu trung lại, Trung Quốc và phần còn lại của vành đai Thái Bình Dương đã nhìn nhận rất khác nhau về nguyên trạng an ninh của khu vực và về quốc gia nào sẽ lãnh đạo khu vực trong tương lai.
Lẽ ra nếu Trung Quốc theo đuổi đường lối ngoại giao hữu ích, mức độ Trung Quốc bị cảm nhận như mối đe dọa trong khu vực sẽ giảm dần.
Tác giả Ankit Panda nhận định ảnh hưởng chuẩn mực không thể giành được bằng hình thức đe dọa.
Mỹ vươn lên trở thành bá chủ thế giới chỉ sau khi Mỹ đã tự điều chỉnh để phù hợp với các giá trị của các cường quốc ở Đại Tây Dương. Các nước này đã trở thành đối tác của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai bất chấp Liên Xô.
Tóm lại, nếu muốn dẫn dắt khu vực hướng đến mục tiêu “một châu Á dành cho người châu Á” với ảnh hưởng hạn chế của Mỹ, Trung Quốc phải bỏ công sức để vun vén cho chủ nghĩa đa phương thân thiện.
Đến một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ đang bị bao vây bởi một liên minh chính thức hoặc không chính thức của các nước châu Á chống lại lối hành xử gây đe dọa trật tự quốc tế hiện nay.
Cách hành xử hiện tại của Trung Quốc dần dần sẽ biến những lời lẽ tố cáo của Trung Quốc về âm mưu vây hãm nước này thành lời tiên tri tự ứng.
LÊ LINH
Cách thức các đại biểu Trung Quốc thoải mái cáo buộc Việt Nam và Philippines tại Đối thoại Shangri-La vừa rồi ở Singapore cho thấy Trung Quốc không quan tâm theo đuổi lợi ích bằng lý trí và chừng mực. Trung Quốc vẫn có thể theo đuổi lợi ích mà không cần sử dụng cách thức khiêu khích trơ trẽn mà giờ đây đã trở thành quy chuẩn trong lối hành xử của Trung Quốc
|