Trung Quốc lo tàu sân bay hóa 'sắt vụn' vì sứa biển

Nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 28-11 đưa tin Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo một thiết bị phụ trợ cho tàu sân bay. Được gọi với cái tên “máy cắt thủy mẫu” (máy cắt sứa), thiết bị này sẽ dọn đường cho các tàu sân bay hoạt động mượt mà hơn tại những vùng biển đông nghẹt sứa.

Ông Tan Yehui, một nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học Quảng Châu, cho biết loài sứa hiện đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các tàu sân bay. Một số lượng lớn sứa khi kẹt lại bên trong hệ thống dẫn nước và hệ thống làm nguội của tàu có thể khiến các động cơ của tàu sân bay nóng quá mức và dừng hoạt động.

Hơn nữa, việc loại bỏ các bộ phận còn dính lại của sứa khỏi các hệ thống lọc và ống dẫn có thể ngốn nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày.

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc Type 001A mang tên Sơn Đông đã được hạ thủy hôm 26-4. Ảnh: BUSINESS INSIDER

Trung Quốc hiện có tàu sân bay duy nhất Liêu Ninh nằm trong biên chế. Nghiên cứu trên càng có ý nghĩa khi nước này được cho cũng đang đóng thêm ba tàu sân bay tại xưởng đóng tàu chiến lược ở vịnh Bột Hải. Hồi cuối tháng 4, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên ở xưởng đóng tàu Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Mặc dù các tàu chiến đã thực hiện nhiều biện pháp để đối phó mối đe dọa từ loài sứa nhưng việc đi vào các vùng biển đông nghẹt sứa có thể gây nhiều vấn đề. Hồi năm 2006, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã tạm thời ngừng hoạt động sau khi di chuyển ngang qua một đàn sứa khổng lồ ở vùng biển ngoài khơi cảng Brisbane của Úc.

“Những gì đã xảy ra với tàu sân bay của Mỹ thì cũng có thể xảy ra với tàu sân bay của Trung Quốc” – ông Tan bày tỏ lo ngại.

Sứa biển có thể làm cho các hệ thống của tàu sân bay tắc nghẽn, khiến thiết bị tối tân này trở thành “sắt vụn”. Ảnh: SCMP

Theo SCMP, máy cắt thủy mẫu mà các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu có hình dạng giống một tấm lưới lớn dài vài trăm mét. Thiết bị này nổi bật với hệ thống lưỡi dao bén ngót bằng thép đặt ở giữa. Hệ thống này sẽ được một tàu lai dắt di chuyển với tốc độ cao sử dụng.

Theo một tài liệu được công bố bởi các chuyên gia nghiên cứu dự án này hồi tháng 8, máy cắt thủy mẫu sẽ cắt những con sứa thành nhiều mảnh nhỏ không dài hơn 3 cm, tức bằng 1/10 kích thước của một con sứa trưởng thành thường xuất hiện ở vùng biển của Trung Quốc.

Theo thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nước tại khu vực tiến hành hoạt động này sẽ bắt đầu đục đi. Sau khoảng một tuần, nước sẽ trong suốt lại sau khi các bộ phận bị cắt của sứa phân hủy hoàn toàn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo phương pháp này có thể gây ra các vấn đề về môi trường. Đồng thời, các bộ phận của sứa bị cắt đứt có thể trôi dạt vào bờ biển, gây hại cho người dân. Nó có thể gây các triệu chứng về da như đau rát, sưng viêm hay thậm chí tử vong.

Hơn nữa, nếu máy cắt sứa cắt phải những con sứa đang mang thai thì một lượng lớn trứng sứa bị giải tỏa, gây nguy cơ sứa bùng phát nhiều hơn vào mùa sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới