"Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng Ukraine để bành trướng ở Biển Đông"

"Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng Ukraine để bành trướng ở Biển Đông" ảnh 1Tàu Trung Quốc ngăn chặn tàu chấp pháp Việt Nam thực thi quyền chủ quyền ở Biển Đông (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhà báo Nga Vladimir Koryagin của báo Gazeta.ru đã có cuộc phỏng vấn với ông Nikolai Kolesnik – Chủ tịch tổ chức liên khu vực của các cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam.

Ông Kolesnik cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay ở Ukraine để vội vã thực hiện bành trướng ở Biển Đông.

Vladimir Koryagin: Ông đánh giá thế nào về những va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam ở vùng tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa. Bên nào có lỗi trong các va chạm đó?

- Nicolai Kolesnik: Tôi cho rằng, hai quốc gia láng giềng có lịch sử phong phú hàng ngàn năm, có sự giao thoa về văn hóa, tôn giáo, có những liên hệ chặt chẽ về mặt dân tộc và về kinh tế, và điều quan trọng là có chế độ chính trị-xã hội như nhau thì đáng ra phải giải quyết được tất cả những vấn đề tranh chấp bằng con đường hòa bình. Vậy mà…

Cá nhân tôi cho rằng trách nhiệm về những gì đang xảy ra hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc sau khi họ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam, họ hành động xuất phát từ lập trường của một quốc gia láng giềng hùng mạnh hơn, ngang nhiên đòi nhiều lợi ích và quyền hành hơn.

Tôi biết người Việt Nam một cách trực tiếp chứ không phải qua nghe kể. Trong gần một năm trời tôi đã kề vai sát cánh cùng các chiến sỹ (bộ đội tên lửa phòng không) Việt Nam để đánh trả các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ. Người dân Việt Nam nổi bật ở tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, rất dũng cảm và khát khao chiến thắng.

Có một yếu tố lịch sử đó là quốc kỳ của Việt Nam đã xuất hiện trên đảo Hoàng Sa ngay từ năm 1816, còn Trung Quốc thì 70 năm sau mới đưa ra yếu sách về quần đảo đó.

Tôi cho rằng, nhân cơ hội các sự kiện khủng hoảng hiện nay ở Ukraine đang thu hút sự chú ý của tất cả các hãng truyền thông hàng đầu trên thế giới và các tổ chức luật pháp quốc tế, Trung Quốc muốn nhanh chóng triển khai bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông, giống như những gì đã diễn ra vào năm 1974.

Khi đó Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình ở Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuẩn bị tích cực cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước, bất ngờ tấn công vào các đảo ở Hoàng Sa do một số ít quân Việt Nam Cộng hòa đang trấn giữ.

Cách gây sức ép bằng vũ lực đó của Trung Quốc đối với Việt Nam chẳng khác nào người ta nén ép chiếc lò so quá cứng. Lối hành xử đó chỉ làm tăng thêm tình hình căng thẳng ở toàn bộ khu vực Đông Nam Á, chứ không thể nào giải quyết được vấn đề một cách cơ bản và công bằng.

Triển vọng của việc giải quyết xung đột sẽ ra sao, thưa ông?

- Vì hiểu rõ người Việt Nam nên tôi có thể khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước những ý đồ thâm hiểm của Trung Quốc, sớm muộn họ sẽ đạt được lẽ phải lịch sử trong vấn đề quần đảo Hoàng Sa.

Con dường duy nhất đúng đắn và cần thiết để thoát ra khỏi tình hình xung đột hiện nay là tuân thủ chủ quyền của các nước láng giềng, kiềm chế và tôn trọng lẫn nhau, đàm phán hòa bình trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC).

Mọi mưu toan giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện nay bằng sức mạnh sẽ là ngõ cụt với kết thúc là vực thẳm.

Quan điểm của Nga và Mỹ đối với tình hình hiện nay như thế nào,thưa ông?

- Là một cá nhân, tôi chỉ phát biểu ý kiên của riêng mình về vấn đề này. Câu hỏi này của bạn tốt hơn hết là dành cho các nhà ngoại giao.

Xin cám ơn ông!

Theo KHÔI NGUYÊN (VIETNAM+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm