Trung Quốc sa vào “thập diện mai phục”

Tàu Trung Quốc đâm tàu chấp pháp Việt Nam

Tàu Trung Quốc đâm tàu thực thi pháp luật Việt Nam

Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc mong muốn hòa bình và nước này “không có gien xâm lược”, nhưng Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy, thăm Mỹ lại lớn tiếng thề: “Không để mất tấc chủ quyền”.

Có thể diễn giải thông điệp theo cách lý luận “đặc sắc Trung Quốc” như sau: Chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, nhưng vì có kẻ đụng đến chủ quyền (thực chất thuộc về nước khác nhưng Trung Quốc vô lối nhận là của mình) nên sẽ buộc phải “phản kích tự vệ” như từng làm nhiều lần trong quá khứ (!?)…

Theo chuyên gia John Hemming thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS, hàng loạt sự kiện gần đây (kéo giàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam; từ chối yêu cầu của tòa trọng tài Liên Hợp Quốc cung cấp bằng chứng trong vụ kiện của Philippines; tại Hội nghị xây dựng lòng tin châu Á ở Thượng Hải vừa qua, ông Tập Cận Bình lần đầu công khai ý tưởng thành lập một cơ chế an ninh mới ở châu Á, loại bỏ vai trò của Mỹ; tàu to lớn của Trung Quốc tàn nhẫn đâm chìm tàu cá bé nhỏ của Việt Nam…) đã trở thành biểu tượng hoàn hảo cho chiến lược ngoại giao mới của Trung Quốc. 

Trong khi Trung Quốc xem những gì họ đang làm như biểu hiện sức mạnh của một siêu cường đang trỗi dậy, thế giới lại nhìn thấy ở đó sự hung hãn, thái độ tự phụ, kiêu ngạo, nhập nhèm không đáng có ở một nước lớn. Tham vọng siêu cường đã biến thành một gánh nặng và đẩy Trung Quốc vào tình thế “thập diện mai phục”. Mỹ vừa gọi việc Trung Quốc trơ tráo chối bỏ, nói không hề đưa tàu chiến tới bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 là “lố bịch”. Khó có từ nào xác đáng hơn thế để nói về việc Trung Quốc đổ thừa “tàu cá Việt Nam cố lao vào giàn khoan nên tự chìm”. Chính học giả gốc Hoa Chen Dingding buộc phải thừa nhận dù Trung Quốc cáo buộc tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần, song nước này không thể đưa ra bất kỳ hình ảnh nào làm chứng. Hình ảnh quốc gia của Trung Quốc đã bị hoen ố trên toàn cầu bởi chính hành vi của họ. 

Trung Quốc đã bất ngờ khi thử thách quyết tâm và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đủ sức mạnh và bản lĩnh đáp trả, nhưng Việt Nam quyết không mắc mưu để trở thành con tốt thí trên bàn cờ nước lớn. Trung Quốc cũng nhận phản ứng ngược, tạo ra sự dịch chuyển chiến lược mạnh mẽ trong khu vực, khi dùng cơ bắp đe nẹt các đồng minh và đối tác của Mỹ. Một “liên minh kim cương” chiến lược gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc manh nha từ giữa những năm 2000 đang nhanh chóng hiện hình với sự năng nổ của Nhật Bản. Trước nguy cơ, ASEAN trở nên đồng thuận, đoàn kết hơn.

Một số học giả “nhắc” Trung Quốc rằng, nước này không mạnh như họ nghĩ. Không vô cớ mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây hài hước đố các sinh viên tìm thấy một phát minh nào đáng kể của Trung Quốc. Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh chỉ chiếm 4% tổng thương mại toàn cầu, ngược lại Trung Quốc dễ tổn thương hơn nhiều với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại và xuất khẩu, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu. Binh pháp Tôn Tử mà Trung Quốc tôn thờ chỉ là thứ âm mưu, thủ đoạn thích hợp cho nội chiến đồng văn, đồng chủng thời Xuân Thu, chứ không đắc dụng với thế giới văn minh ngày nay.

Ông Hemming cho rằng, Mỹ đã thất bại với kế hoạch giúp Trung Quốc thịnh vượng hơn để nước này trở nên “có trách nhiệm”. Với khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Tổng thống Obama phải cùng các đồng minh và đối tác vạch ra một “giới hạn đỏ” với Trung Quốc. Và Mỹ cần phải hành động nếu Trung Quốc liều lĩnh vượt qua lằn ranh đó.

Theo Đặng Vương Hạnh/TPO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm