Philippines: Sáng kiến mới giảm căng thẳng biển Đông

Trả lời đài truyền hình ABS-CBN (Philippines) hôm 16-6, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo trong vòng một năm, Philippines sẽ chính thức đề nghị ASEAN kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông nhất trí về một thỏa thuận đình hoãn.

Với thỏa thuận này, các bên liên quan sẽ ngưng có hành động gây thêm căng thẳng, trong đó bao gồm xây dựng, cải tạo trên các đảo, đá, bãi ở biển Đông. Thỏa thuận đình hoãn sẽ có hiệu lực trong thời gian ASEAN và Trung Quốc khẩn trương hoàn tất Bộ Quy tắc về ứng xử trên biển Đông.

Ngoại trưởng Albert del Rosario cho rằng đây là cách giải quyết hợp lý vì giải quyết tranh chấp hàng hải luôn cần hai yếu tố gồm xử lý căng thẳng và giải quyết bản thân tranh chấp. Trước mắt, các nước cần xử lý căng thẳng trước khi vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ông giải thích sáng kiến về thỏa thuận đình hoãn nêu trên được đưa ra dựa theo gợi ý của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trong trả lời báo chí hôm 11-6 rằng các nước nên tự nguyện ngừng hành động gây hấn.

Ngày 15-6, tàu Trung Quốc áp sát, ngăn cản, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ông hy vọng Philippines sẽ nêu đề xuất trên tại hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng ASEAN về biển Đông mà trước đây Indonesia đã đề nghị tổ chức.

Trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông, đài truyền hình ABS-CBN ngày 15-6 dẫn lời các nhà phân tích nhận định các tuyến hàng hải trên biển Đông vẫn an toàn bởi các bên liên quan sẽ không có hành động có thể gây hại đến tuyến kinh tế huyết mạch quan trọng này.

Chuyên gia Jayendu Krishna thuộc Tập đoàn tư vấn công nghiệp Drewry (Singapore) nhận định Trung Quốc buộc phải cẩn trọng, không gây ra mâu thuẫn quân sự trầm trọng trên biển Đông vì Bắc Kinh cần các tuyến đường biển này để phục vụ cho các mục tiêu kinh tế.

Nhà phân tích Shivaji Das, Phó Chủ tịch Tập đoàn tư vấn toàn cầu Frost & Sullivan (Singapore), ghi nhận các tuyến đường biển trên biển Đông sẽ không gián đoạn vì nhiều nước có lợi ích tại khu vực này.

Ông phân tích lịch sử gần đây cho thấy các nguyên tắc tự do hàng hải trên thế giới hiếm khi bị phá vỡ từ chính phủ các nước và có chăng thì chỉ đến từ bọn cướp biển.

Trong khi đó, báo Myanmar Times ngày 16-6 đưa tin Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu gạo của Myanmar và tránh nhập khẩu gạo Việt Nam.

Ông U Chit Khaing, Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Myanmar, cho biết Liên đoàn đang hối thúc Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi đàm phán với Trung Quốc nhằm hợp thức hóa thỏa thuận xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, gạo phải được nâng cấp đạt tiêu chuẩn.

Các chuyên gia nhận định tình hình Trung Quốc tạm thời giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ không thể kéo dài mãi.

Nhà kinh tế Sergiy Zorya thuộc Ngân hàng Thế giới nhận định Việt Nam là nước xuất khẩu gạo rất cạnh tranh trong khi Trung Quốc là thị trường nhạy cảm về giá, vì thế Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ một cách thực dụng về vấn đề này.

DUY KHANG - THIÊN ÂN

Ngày 16-6, AFP đưa tin hải quân Philippines đang tiến hành nâng cấp một căn cứ hải quân nhỏ trên vịnh Ulugay thuộc tỉnh Palawan thành căn cứ có khả năng đón tàu chiến Mỹ. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh quân sự của Philippines trên biển Đông nhằm đối phó với Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm