TQ phải trả lại đảo đã chiếm của Việt Nam
. Tiền Phong: TQ nói năm 1974 TQ chỉ xua đuổi quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) để bảo vệ chủ quyền của họ ở Hoàng Sa. Việt Nam có bình luận gì?
+ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải: Xin khẳng định các phát biểu trên là xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, họ đã bàn giao quyền quản lý cho VNCH. Chính quyền VNCH đã có quân đồn trú tại Hoàng Sa, thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Năm 1974, TQ đã tấn công các lực lượng của VNCH, đấy là một thực sự lịch sử. Ngay các trang mạng của TQ cũng đã đưa rất nhiều hình ảnh nêu TQ tấn công binh lính VNCH ở Hoàng Sa.
. VOV: Yêu cầu bình luận về thông tin TQ yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa.
+ Ông Trần Duy Hải: Đề nghị của TQ hết sức phi lý, Việt Nam kiên quyết bác bỏ vì Việt Nam có đủ chứng cứ về việc quản lý với quần đảo Trường Sa. Chính TQ là người dùng vũ lực chiếm đóng một số bãi đá của quần đảo này năm 1988 nên TQ phải trao trả những bãi đá đã chiếm của Việt Nam.
+ Vietnamnet: TQ hiện đang mở rộng một số công trình kiên cố ở Trường Sa. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam?
+ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết TQ đã mở rộng, xây dựng công trình trái phép ở Gạc Ma và một số điểm khác vốn bị TQ chiếm từ tháng 3-1988.
Việt Nam cực lực phản đối hành vi này và yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hành động xây dựng mở rộng trái phép, các hành động thay đổi hiện trạng, không để hành động tái diễn trong tương lai vì nó ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Các đối tác vẫn tin tưởng và ủng hộ Việt Nam
. AP: Việt Nam đã ký hơn 100 hợp đồng với các đối tác nước ngoài, có hơn 60 hợp đồng đang hoạt động. Vậy các đối tác có quan ngại gì về tình hình trên biển Đông? Cuộc gặp của ông Dương Khiết Trì với Việt Nam tới đây sẽ giải quyết vấn đề trên biển, có làm ổn định hơn tình hình?
+ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nguyễn Quốc Thập: Trước việc TQ hạ đặt giàn khoan, sau đó tuyên bố 57 lô dầu khí trái phép dựa vào đường lưỡi bò phi lý, Việt Nam đã tiến hành gặp gỡ mọi công ty dầu khí TQ cho là nằm trong khu vực tranh chấp như các công ty của Mỹ, Nga, Ấn Độ... Tại các cuộc gặp này, đại diện các đơn vị đó đều thông tin tổng hành dinh các đơn vị đã nhận được thông báo và ủng hộ các tuyên bố của PetroVietnam cũng như Chính phủ Việt Nam. Hoạt động của Việt Nam hoàn toàn hợp pháp nên các đối tác vẫn cam kết tiếp tục hoạt động, triển khai các hoạt động dầu khí đã ký với Việt Nam.
+ Ông Lê Hải Bình: Theo chúng tôi biết, ông Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam. Đây là cuộc gặp giữa hai chủ tịch ban chỉ đạo hợp tác song phương. Trong các chủ đề cuộc gặp lần này, việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan chắc chắn sẽ được đề cập.
Việt Nam luôn kiên trì, tìm mọi kênh để giải quyết hòa bình tình hình hiện nay trên biển Đông. Cuộc gặp lần này sẽ là một kênh để thảo luận, tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng.
. Hãng truyền hình Asahi (Nhật Bản): PV đã được xem những hình ảnh TQ cung cấp về việc tàu Việt Nam đâm va tàu TQ và đề nghị đại diện cảnh sát biển Việt Nam bình luận về những hình ảnh này. Việc TQ thông tin Việt Nam cử lực lượng đặc công người nhái đến hoạt động trong khu vực biển?
+ Ông Ngô Ngọc Thu: Tôi chưa xem clip do TQ đưa ra trong buổi họp báo ngày 13-6 vừa qua. Thông tin TQ nói tàu Việt Nam đâm vào tàu TQ 1.547 lần là hoàn toàn sai sự thật. Thực tế tại khu vực chỉ có hoạt động đâm va, phun nước để áp chế của tàu TQ với tàu Việt Nam. Hình ảnh TQ đưa ra là tàu TQ bị đâm chùn mũi, rõ ràng chỉ có thể dùng mũi tàu nọ đâm vào mạn tàu kia chứ không thể có chuyện bị tấn công vào đúng mũi tàu.
Tôi bác bỏ thông tin Việt Nam sử dụng người nhái trên hiện trường khu vực giàn khoan.
VIẾT THỊNH lược ghi