Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì
Thông tin được tờ báo của Hồng Kông dẫn lời Tiến sỹ Trần Trương Thủy, giám đốc Việt Nghiên cứu Biển Đông, học Viện Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Ông Dương Khiết Trì dự kiến tham dự cuộc họp của ủy ban hợp tác Việt Nam Trung Quốc và dự kiến cũng sẽ có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. “Đây là cuộc họp thường kỳ về hợp tác, nhưng chủ đề chính lần này sẽ tập trung vào các vấn đề Biển Đông”, Tiến sỹ Thủy cho biết.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam dẫn một nguồn tin khác cho biết cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ ba 17/6.
Đây sẽ là cuộc họp cấp cao nhất của lãnh đạo hai nước kể từ khi Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào đầu tháng 5 vừa qua.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam dẫn lời Zhang Mingliang, một chuyên gia về quan hệ Đông Nam Á tại Đại học Jinan, Quảng Châu, Trung Quốc cho rằng: “Đây không phải là thời gian thích hợp để có cuộc họp cấp cao như trên. Nhưng họ không muốn hủy cuộc họp bởi họ phải giải quyết các vấn đề” tồn tại.
Cũng theo tờ báo, ông Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã sử dụng những từ ngữ gay gắt trong cuộc điện đàm hôm 6/5, khi căng thẳng hai bên bắt đầu. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã lên án việc Trung Quốc triển khai giàn khoan ở Biển Đông cùng đội tàu hộ tống là bất hợp pháp, trong khi ông Dương Khiết Trì lại vu khống “Việt Nam quấy rối hoạt động bình thường của doanh nghiệp Trung Quốc”.
Mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc sau đó tiếp tục gia tăng căng thẳng. Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai hàng chục thậm chí hơn 100 tàu, trong đó có cả tàu quân sự, cùng máy bay quanh khu vực giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc nhiều lần phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu của Việt Nam, cố tình đâm va vào tàu Việt Nam. Một tàu cá của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc ngang ngược đâm chìm vào cuối tháng 5 vừa qua nhưng may mắn 10 người dân trên tàu đã được cứu sống.
Trong một diễn biến khác, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 14/6 cho biết, nước này bắt đầu cho xây dựng trường học với vốn đầu tư 5,76 triệu USD trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép bằng vũ lực năm 1974.
Trung Quốc tuyên bố thành lập trái phép đơn vị hành chính mà nước này gọi là Tam Sa tháng 7/2012, sau khi đã xây dựng nhiều công trình trên hòn đảo Phú Lâm, bao gồm cả một đường băng, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và của nhiều nước ASEAN.