Báo Nhật Nikkei Asia ngày 12-12 nhận định Trung Quốc (TQ) đang tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia châu Phi trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại ở lục địa này về khả năng tiếp tục phụ thuộc vào sự hỗ trợ về quân sự từ Moscow.
Theo Nikkei Asia, với các mối quan hệ lịch sử kéo dài từ những năm 1950, 1960, gần một nửa thiết bị quân sự ở châu Phi do Nga cung cấp. Nga cũng hỗ trợ huấn luyện quân đội, bán vũ khí và điều động lính đánh thuê đến châu lục này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Tây Phi - khu vực chiếm 25% lưu lượng hàng hải và 2/3 sản lượng dầu châu Phi, vốn thường xuyên đối mặt với các mối đe dọa an ninh - đang nghiêng về TQ trong vấn đề viện trợ quân sự.
Ngày 28-10, TQ đã cung cấp một tàu tuần tra dài 46m và các vật tư quân sự để hỗ trợ hải quân Nigeria chống tội phạm hàng hải và đảm bảo an ninh khu vực.
Tại thủ đô Lagos (Nigeria), công ty China Harbour Engineering của TQ đã xây dựng cảng nước sâu Lekki, một trong những cảng lớn nhất ở Tây Phi có thể xử lý 1,2 triệu container mỗi năm. Công trình đóng vai trò như một trung tâm hậu cần hàng hải mới cho toàn khu vực, mở ra một làn sóng cơ hội đầu tư của Bắc Kinh vào châu Phi.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham dự lễ khai trương căn cứ quân sự mới của Trung Quốc tại Djibouti vào ngày 1-8-2017. Ảnh: AFP |
Trong 8 năm qua, TQ đã tham gia gần 40 hoạt động trao đổi quân sự với các đối tác ở Vịnh Guinea, triển khai tàu hải quân cho các hoạt động chống cướp biển. TQ có kế hoạch thành lập một trung tâm quân sự ở Guinea Xích đạo, gây quan ngại sâu sắc cho Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ.
Vào tháng 8-2017, TQ khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài đặt tại Cộng hòa Djibouti - quốc gia thuộc khu vực sừng châu Phi.
Mặc dù, với chính sách không can thiệp, TQ không can dự trực tiếp vào các cuộc khủng hoảng ở châu Phi nhưng Bắc Kinh cũng ngày càng có vị thế cao trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại lục địa này. Cụ thể, TQ đã gửi hơn 1.000 binh sĩ, cảnh sát và chuyên gia đến Nam Sudan.
Theo các chuyên gia, viện trợ quân sự của TQ cho châu Phi nhằm bảo vệ các khoản đầu tư, khoản vay cũng như bảo vệ công dân TQ ở lục địa này. Ảnh hưởng của Bắc Kinh giờ đây không thua kém các cường quốc có dấu ấn quân sự lâu đời ở châu Phi như Mỹ, Anh, Nga...
Các chuyên gia cho rằng nhiều chính phủ châu Phi có thể sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự ngày càng sâu sắc với TQ.