Ngày 8-5, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020.
Về cơ bản, các quy định trong tuyển sinh ĐH năm nay vẫn ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, có khá nhiều nội dung mới về tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh mà các trường ĐH-CĐ quan tâm vì trường nào đáp ứng được các quy định này mới được tổ chức thi riêng.
Tại Điều 12, các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hoặc hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi, phải tuân thủ bảy yêu cầu bảo đảm chất lượng. Cụ thể như sau:
- Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh (sau đây gọi chung là bộ phận chuyên trách).
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2019. Ảnh: PHẠM ANH
- Đảm bảo về cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu để tổ chức tốt kỳ thi riêng, từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.
- Xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp cho tuyển sinh ĐH, công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi ít nhất 15 ngày. Nội dung các câu hỏi thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc ĐH của thí sinh, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam.
Nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông.
- Đảm bảo ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận của trường đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi. Có giải pháp đảm bảo sự tương đương của các đề thi và phải thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi.
- Đã ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ thi; tổ chức đăng ký dự thi; công tác đề thi và quy trình bảo mật đề thi; công tác coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, chấm thẩm định; chế độ báo cáo và lưu trữ; xử lý các sự cố bất thường, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
Quy chế thi tuyển sinh của trường do hiệu trưởng ký ban hành, không được trái với các quy định tại quy chế này và phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT ít nhất trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.
- Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi, phù hợp với quy mô và hình thức tổ chức thi.
- Có đề án tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh của trường, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin và minh chứng về việc đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng để tổ chức kỳ thi.
Đề án tổ chức thi tuyển sinh phải được công khai trên trang thông tin điện tử của trường trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi, đồng thời gửi về Bộ GD&ĐT để báo cáo. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kỳ thi.
Tại cuộc họp trực tuyến về tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 8-5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đưa ra phương án thi, tránh thay đổi “xoành xoạch” như thời gian qua. Khi bổ sung tổ hợp xét tuyển mới, nhà trường cần đảm bảo tính khoa học, tránh ngẫu hứng, gây rối loạn xã hội.
Theo ông Nhạ, tự chủ tuyển sinh là cơ hội nhưng không phải muốn làm gì thì làm, phải có quy định để đảm bảo chất lượng các hoạt động theo quy định của pháp luật. Tuyển sinh phải đảm bảo công bằng, khách quan, minh mạch và an toàn của những người tham gia kỳ thi.
Ông Nhạ cũng cho biết Bộ đang có lộ trình để giao việc thi cử cho các trung tâm khảo thí độc lập. Tuy nhiên, quá trình này cần thực hiện từng bước cho phù hợp với điều kiện trong nước, từng bước để đưa hoạt động thi cử vào chuẩn mực.