Cụ thể, mức điểm trúng tuyển (không nhân hệ số) của các ngành theo từng tổ hợp xét tuyển: ngành quản trị - luật: tổ hợp A00, A01, D1,3,6: 23 điểm; ngành luật: tổ hợp A00: 21,5 điểm; A01: 21 điểm; C00: 24 điểm; D1,3,6: 20,5 điểm; ngành quản trị kinh doanh: tổ hợp A00: 21 điểm; A01: 20,5 điểm; D1,3,6: 20,3 điểm;ngành ngôn ngữ Anh: tổ hợp D1,3,6: 21 điểm.
Thí sinh làm bài kiểm tra năng lực tại Trường ĐH Luật TP.HCM, sáng 3-8. Ảnh: L.HIỂN
ThS Lê Văn Hiển, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật TP.HCM, cho hay quá trình xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng của trường, kết thúc giai đoạn 1 (giai đoạn xét tuyển sơ bộ) có 2.639/3.245 thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ để tham gia buổi kiểm tra năng lực ngày 3-8.
Mức điểm tối thiểu trong kỳ thi THPT quốc gia theo các tổ hợp môn của các ngành mà thí sinh phải đạt được khoảng từ 19 điểm trở lên. Theo đó kết thúc giai đoạn 2 (kiểm tra năng lực) có hơn 2.360 thí sinh có mặt làm bài kiểm tra, đạt tỉ lệ 89,54%.
Bài kiểm tra năng lực có 100 câu trắc nghiệm gồm các kiến thức tổng hợp và kỹ năng sử dụng tiếng Việt... Kết quả phổ điểm trung bình từ 20,7 đến 24,0 điểm, chiếm tỉ lệ 72%.
Ông Hiển đánh giá đa số thí sinh làm đúng những câu hỏi thuộc nhóm kiến thức xã hội tổng hợp và nhóm kiến thức về kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Riêng các câu hỏi thuộc nhóm kiến thức về pháp luật và nhóm kiến thức tư duy logic, là các câu hỏi thể hiện sự phân hóa của đề kiểm tra, khá nhiều thí sinh làm không đúng.
Sau hai giai đoạn thực hiện theo đề án tuyển sinh riêng (xét tuyển sơ bộ và kiểm tra năng lực) gồm ba tiêu chí: học bạ (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển), điểm thi THPT năm 2016 do các trường đại học chủ trì (chiếm tỉ trọng 60% điểm trúng tuyển) và điểm kiểm tra năng lực (chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển).
Tổng điểm tối thiểu của cả ba tiêu chí này đối với ngành có mức điểm cao nhất là 24,0 (ngành luật, tổ hợp C00), mức điểm thấp nhất là 20,3 (ngành quản trị kinh doanh, tổ hợp D01); riêng ngành quản trị - luật là 23,0 điểm cho tất cả tổ hợp xét tuyển.
Ông Hiển thông tin hiện trường chưa tiến hành xét phân khoa chuyên ngành đối với thí sinh đạt điểm trúng tuyển ngành luật. Sau khi thí sinh nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 và làm thủ tục nhập học, căn cứ vào năng lực đào tạo của từng khoa, nguyện vọng và mức điểm của thí sinh, trường sẽ công bố điểm trúng tuyển vào các khoa chuyên ngành trước khi thí sinh vào học chính thức.
Ông Hiển lưu ý chậm nhất 17 giờ ngày 10-8, các thí sinh trúng tuyển phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký của chủ tịch hội đồng thi và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) cho nhà trường thông qua đường bưu điện (chuyển phát nhanh).
Hồ sơ hợp lệ căn cứ theo dấu bưu điện trước 17 giờ ngày 10-8 hoặc trực tiếp tại trường (nhận thứ 7 ngày 6-8) và Chủ nhật (ngày 7-8). Quá thời hạn này, thí sinh không nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi được xem như từ chối nhập học.
Căn cứ tình hình thực tế nhập học, trường có thể sẽ tiếp tục gọi các thí sinh khác trong danh sách đã tham gia kiểm tra năng lực theo nguyên tắc lấy từ điểm cao xuống điểm thấp đến khi đủ chi tiêu.