Trường Giang: Chất quê giữa phố

Tôi có một sự quan tâm đặc biệt tới Trường Giang đơn giản vì anh là người đồng hương. Từ lâu, lâu lắm rồi, sau Hoài Linh mới có một nghệ sĩ hài trẻ nổi lên nhờ cái giọng Quảng Nam “rặt ri” mặn mà này.

Tỏa sáng nhờ “Mười Khó”

Không phải riêng tôi mà tất cả khán giả lần đầu tiên thấy Trường Giang trong vở hài kịch Khó đều ngỡ ngàng, kinh ngạc. Khả năng biểu hiện sự quê mùa, thơ ngây mà cực đoan, khó khăn của Trường Giang trong vai ông Mười Khó là vô biên, từ ngoại hình tới cử chỉ, hành động, lời nói. Trong vai ông Mười Khó, Trường Giang biến mọi sự hà khắc trở nên dễ thương một cách ngơ ngác. Kể ra Trường Giang là số hiếm nghệ sĩ có khả năng tái hiện được hình ảnh ông già xứ Quảng “nổi loạn” và “quái” theo cách như vậy. Nghe đồn sau đó không lâu, nhà nào ở Quảng Nam không có đĩa hài này trên kệ hoặc người nào chưa xem kịch này đều bị chê là “lạc hậu”. Hễ ông già nào khó khăn một chút là bị gán ngay biệt danh và trêu “y như Mười Khó”!

Nghệ sĩ Trường Giang. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nghệ sĩ Trường Giang. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Kể ra một người trẻ như Trường Giang mà đóng được một vai già ấn tượng như vậy cũng kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn khi trên sân khấu ấy, toàn là những tên tuổi lớn như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, vậy mà Trường Giang hiên ngang “xơi” vai ngon lành. Anh chẳng những không lu mờ mà còn tỏa sáng rực rỡ. Sau đó, số phận của Trường Giang như thế nào thì hẳn ai cũng đã biết. Mọi thứ bỗng bất ngờ trở nên “dễ dàng” sau vai “Mười Khó” của anh. Anh có được mọi thứ bắt đầu dễ dàng. Cơ hội đến, tên tuổi đến, tiền bạc đến. Chẳng biết Trường Giang vừa thông minh vừa may mắn khi biết cách khai thác bản thân một cách triệt để. Đa số những vở Trường Giang góp mặt đều do chính tay anh viết kịch bản. Anh viết kịch bản tốt và xuất sắc không kém diễn hài. Cứ xem Khó hay Ôsin là ông nội sẽ thấy rõ.

Thực ra, Trường Giang có mô-típ diễn khá giống với “sư phụ” Hoài Linh: nhẹ nhàng, từ tốn chứ không ồn ào, vội vã. Lối diễn ít thiên về ngoại hình theo kiểu phùng mang trợn mắt hay khua tay múa chân. Trường Giang ghi dấu ấn riêng cho mình bằng sự ngây thơ, bẽn lẽn rất dễ thương cho dù đó là vai già hay trẻ. Mà khán giả chỉ “thương” Trường Giang đóng ông già thôi, hễ đóng vai trẻ là “ghét”. Không ít khán giả thẳng thắn nói với anh: “Trường Giang sinh ra là để đóng vai ông già”, nghe bảo Trường Giang chỉ thốt lên 3 tiếng “bi kịch quá!” mà trong bụng sướng quá trời!

10 năm dò đường

Khi Trường Giang bắt đầu được biết đến cách đây vài năm mà cụ thể là lúc anh lọt vào tốp 5 Giải Mai Vàng ở hạng mục Diễn viên hài năm 2013, tôi có tìm gặp Trường Giang. Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy một anh chàng nhỏ nhắn, nhí nhố, dễ thương vô cùng. Dù anh chẳng phải chải đầu bóng mượt hay ăn mặc đẹp nhưng nhìn cũng có cảm giác anh hẳn cũng là công tử từ một gia đình khá giả nào đó bước ra. Nào ngờ tuổi thơ anh cũng sương gió chẳng ai sánh bằng. Nói chi xa xôi, cách đây chừng mấy năm thôi, anh còn sống trong ngôi nhà trống hoác, mưa tạt gió lùa ở Đồng Nai. Vậy cũng đủ biết cơ hàn đến cỡ nào rồi. Tuổi thơ của Trường Giang “dữ dội” mà mỗi lần nghe anh kể, giá như có thể chắp bút thành một hồi ký sẽ vô dùng hấp dẫn. Nào là thằng Tí đen nhẻm, gầy như que củi; nào là đầu trần chân đất mót mủ cao su; nào là nhịn cơm quanh năm suốt tháng vì không có tiền đong gạo…

Đã vậy, đường học hành còn lận đận vô kể. Chẳng mộng làm thầy giáo nhưng muốn khỏi đóng tiền học phí nên thi trường sư phạm nhưng rớt cái bịch. Khi thi “đại” vào trường sân khấu thì bị đuổi học triền miên mà phần chính là vì không có tiền đóng học phí. Trường Giang hay bảo quãng thời gian theo học ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh là “cay đắng” vô vàn, là “đáy của đáy” cực khổ, nghèo đói. Đã vậy, nghe anh kể ngay cả lúc đang học, các thầy cô dạy ở trường sân khấu cũng lắc đầu khuyên anh nên chọn ngành khác vì “thứ nhất là xấu, thứ hai là lùn, thứ ba là nói tiếng khó nghe. Mà quan trọng nhất là chẳng có năng khiếu gì về nghệ thuật”. Đến thầy cô dạy mà còn phán kiểu đó thì hỏi sao không chạnh lòng. Trường Giang bảo nghe nhột và nhục, tối về cũng ôm gối khóc bù lu bù loa. Rồi anh tiếp tục mò mẫm dò đường đi cho mình. Trong anh thường trực cảm giác bất an, hoài nghi về mọi thứ. Ai theo nghệ thuật nói có đam mê từ nhỏ chứ anh vẫn mạnh miệng bảo: “Ngày xưa chả xác định gì cả. Sống theo kiểu tới đâu hay tới đó”.

Cho đến khi gặp được nghệ sĩ Hữu Lộc, được một vai diễn quần chúng hiếm hoi, Trường Giang bảo mình như được “cứu sống”. Rồi tình cờ anh được Hoài Linh khen “diễn được” trong một tiểu phẩm hài đóng vai “teen”. Cỡ Hoài Linh mà khen “đàn em” như vậy thì Trường Giang cũng đâu phải “dạng vừa”. Sau đó không lâu, Trường Giang bất ngờ nhận được lời mời viết kịch bản vở hài kịch Khó và nổi lên cũng từ đó. Từ ngày ấy đến hôm nay, Trường Giang cần mẫn, quần quật cày xới mảnh đất nghệ thuật bằng một quan niệm: “Tất cả chỉ mới bắt đầu, phía trước còn là một dòng sông dài”, giống như ý nghĩa của cái tên Trường Giang. Nhưng có lẽ cái ngày Trường Giang đứng ở đỉnh cao, trầm ngâm nghĩ về cuộc đời mình sẽ không còn xa nữa.

Nối gót Hoài Linh

Nói chuyện với Trường Giang khó lòng tạo không khí trịnh trọng được. Cứ nhìn vẻ mặt ngây ngô của anh là người đối diện mắc cười. Nom anh lúc nào cũng lí lắc như đứa trẻ, mặt anh lúc nào cũng phúng phính mà không ít người bảo ở tuổi 30 nhưng nhìn là... muốn nựng! Mà Trường Giang cũng nào đâu thích sự trịnh trọng. Anh từng bảo: “Cuộc đời này nhiều đau khổ lắm rồi, gặp nhau vui được, cười được thì hãy cứ như vậy cho thoải mái”. Cuộc sống qua ánh mắt, nụ cười của anh lúc nào cũng trở nên phong phú, sôi động, đầy đam mê và hấp dẫn.

Ai bảo làm nghệ sĩ chạy sô mệt không có thời gian ăn ngủ, Trường Giang nói thấy “sướng”, ai bảo làm nghệ sĩ mất tự do cá nhân, Trường Giang nói thấy “khoái”, ai bảo làm đệ tử Hoài Linh thấy “ngại”, anh nói “tự hào”. “Nhiều người hỏi tôi núp dưới cái bóng anh Hoài Linh vậy có buồn không? Ủa, mắc mớ gì mà buồn hả trời! Anh Hoài Linh là một nghệ sĩ lớn, hỏi thử trước giờ ai được gọi là đệ tử của anh Hoài Linh như tôi chưa? Tôi núp dưới cái bóng ấy, được che chở, được học hỏi, được dẫn đường chỉ lối, mừng gần chết chứ buồn cái nỗi gì. Tôi còn muốn núp hoài nữa kìa!” - Trường Giang chia sẻ đầy kiêu hãnh.

Trường Giang nối gót Hoài Linh nên tính tình có phần giống hệt. Sống đơn giản, gần gũi, thân tình, ăn nói thật thà, chẳng giấu giếm điều chi.

“Tôi sinh ra trong nghèo khó nên ăn những thứ cơm hàng cháo chợ đã quen. Giờ vào mấy nhà hàng sang trọng ngồi không thoải mái chút nào. Cứ thà ra vỉa hè hít xíu khói bụi xe cộ, ăn tô hủ tiếu bánh canh vài chục ngàn đồng mà thấy ngon miệng hơn” - anh cười nói và bảo rằng anh luôn muốn giữ cho mình một “chất quê” giữa phố...

Theo MINH NGA (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm