Trưởng phòng dự báo khí hậu: Bão số 8 đi rất nhanh, thời gian chuẩn bị ngắn

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 7 giờ sáng nay, 12-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 14.

Mô hình dự báo vị trí và đường đi của bão số 8. Ảnh: VNDMS

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30 km và có khả năng suy yếu dần về cường độ. Đến 7 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Cường độ bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 16,0 đến 22,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia. cho biết: Chúng tôi cảnh báo người dân, tàu thuyền hoạt động trên biển, bão di chuyển vào Biển Đông gây thời tiết xấu lên hầu khắp vùng biển nên ngư dân không nên ra khơi vào thời điểm này. Ngư dân cần theo dõi cảnh báo về vùng nguy hiểm để kịp thời di dời tránh trú.

Cùng với đó, cơn bão Kompasu sẽ tương tác với không khí lạnh và gây ra đợt mưa rất lớn từ ngày 13 đến 15-10 ở Nam đồng bằng Bắc bộ và khu vực Trung bộ, trọng tâm từ Thanh Hoá trở vào đến Thừa Thiên - Huế có khả năng xảy ra một đợt lũ, khu vực vùng núi các tỉnh này có khả năng xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Phía nam đồng bằng Bắc bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội có thể xảy ra ngập lụt đô thị.

"Sau đợt mưa do tương tác không khí lạnh và bão số 8 này chúng tôi nhận định sẽ xuất hiện một hình thế thời tiết gây mưa lớn khác điển hình, đó là không khí lạnh tác động với dải hội tụ nhiệt đới. Như vậy mưa lớn sẽ diễn ra trong 10 ngày tới, hầu khắp khu vực Trung bộ, trọng tâm là các tỉnh từ Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế" - ông Hưởng nói.

Cụ thể, từ chiều ngày 13-10 đến ngày 14-10, ở khu vực Bắc bộ và Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt; khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt.

Từ ngày 15-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới ở các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm