Ủy viên quản lý cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC), bà Magrethe Vestager, ngày 30-8 đã yêu cầu Ireland phải truy thu từ Apple số tiền thuế lên đến 14,5 tỉ USD (chưa tính lãi suất). Theo bà Vestager, đó là số tiền Apple đã không đóng thuế đúng với tổng số lợi nhuận mà họ kiếm được tại Ireland. Quyết định này không chỉ khiến Apple và Ireland phản pháo kịch liệt, nó còn khiến Washington lo sốt vó, sợ bị “cướp” đi khối tiền thuế khổng lồ của các tập đoàn đa quốc gia gốc Mỹ.
EU tuyên chiến với Apple
Tờ The Economist bình luận đây là quyết định gây tranh cãi nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến chống trốn thuế nhắm vào các tập đoàn xuyên quốc gia. Phía Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các quyết định trong quá khứ của Ireland đã trực tiếp hạ mức thuế mà Apple phải trả tại nước này. Mặc dù Apple không vi phạm bất kỳ điều luật nào của Ireland, sự thỏa hiệp này được xem là vi phạm các điều luật của EU ngăn các thành viên đối xử thiên vị cho doanh nghiệp, tập đoàn.
Cuộc điều tra nhắm vào hai công ty tại Ireland nắm quyền sử dụng tài sản trí tuệ của Apple để chế tạo và bán sản phẩm bên ngoài nước Mỹ. EU cho rằng Apple và Ireland đã có một thỏa thuận đáng ngờ cho phép đa số lợi nhuận của các công ty này được chuyển đến một “công ty mẹ” chỉ tồn tại trên giấy tờ và không đóng thuế cho bất kỳ quốc gia chủ quản nào. Thỏa thuận này cho phép Apple thu nhỏ tỉ lệ thuế của họ tại châu Âu xuống dưới 1%.
Apple đã nhanh chóng phản pháo. Gã khổng lồ công nghệ chỉ trích phán quyết này không công bằng và được thực hiện dựa trên những hiểu lầm “căn bản” đối với các hoạt động của Apple. CEO Tim Cook cho rằng quyết định của ủy ban này “đã giáng một đòn mạnh vào chủ quyền của các nước thành viên EU, can thiệp vào chính sách thuế của riêng các nước”. Trong khi đó, Giám đốc tài chính Muca Maestri của tập đoàn này chỉ trích kết luận điều tra dựa trên những tính toán sai lầm. Phía Apple bác bỏ nhận định họ đóng dưới 1% tổng lợi nhuận bán hàng tại châu Âu. Gã khổng lồ về công nghệ khẳng định họ đã trả số tiền gần 400 triệu USD trong năm 2014, với tỉ lệ gần 12,5% lợi nhuận. Apple cũng bác bỏ cáo buộc “công ty mẹ” của hai công ty tại Ireland là “không có quốc gia”, khẳng định công ty này về lý thuyết vẫn có thể bị Mỹ đánh thuế. Apple cũng đã đóng một lượng tiền thuế rất lớn trên toàn cầu. Trong năm 2015, số tiền Apple đã chi ra để trả thuế nhiều hơn 13 tỉ USD, theo The Economist.
Trong khi đó, phía Ireland cũng đang dự tính kháng cáo quyết định của bà Vestager. Bên cạnh việc cảm thấy bị can thiệp vào chính sách quốc gia, Ireland sợ quyết định truy thu thuế khiến nước này giảm độ hấp dẫn với các tập đoàn quốc tế. Trong nhiều năm qua, Ireland đã học theo mô hình kinh tế của các quốc gia “thiên đường thuế”: Sử dụng chính sách thuế dễ dãi để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia chọn Ireland là đại bản doanh tại châu Âu.
CEO của Apple, ông Tim Cook, chỉ trích quyết định đòi truy thu thuế là một “sự lố bịch về chính trị” của EU. Ảnh: GETTY IMAGES
Mỹ sợ bị cướp 2.000 tỉ USD
Chiến dịch chống trốn thuế quy mô lớn được châu Âu phát động từ vài năm trước. Chính sách thắt lưng buộc bụng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu buộc EU phải đẩy mạnh chính sách công bằng thuế triệt để hơn. Ủy ban Cạnh tranh của EU nhắm vào các cấu trúc kinh doanh xuyên quốc gia đáng ngờ. Đa số đối tượng bị điều tra lại là các tập đoàn của Mỹ như Starbucks, McDonald và lớn nhất chính là Apple. Ủy ban này tập trung vào các thỏa thuận cho phép các tập đoàn tối thiểu hóa được các khoản thuế kinh doanh mà họ phải đóng tại châu Âu. Các tập đoàn có thể sử dụng các điều khoản về hoãn đóng thuế trong đạo luật thuế của Mỹ và giữ phần lợi nhuận ở nước ngoài vô thời hạn, theo The Economist. Nếu mang khoản lợi nhuận này về Mỹ, họ sẽ phải đóng khoản tiền thuế lên đến 35%.
Phía Mỹ dĩ nhiên đã lên tiếng chỉ trích quyết định của EU, gọi phán quyết này là không công bằng. Các quan chức Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh cáo có thể tìm cách đáp trả nếu như Brussels vẫn cương quyết làm đến cùng vụ truy thuế Apple. Bộ Ngân khố Mỹ chỉ trích Ủy ban châu Âu đang muốn biến thành một “cơ quan thuế siêu quốc gia”, đe dọa những thỏa thuận quốc tế về chống trốn thuế.
Người Mỹ đang lo sợ bị “cướp”. Vụ truy thu thuế của Apple có thể là tín hiệu cảnh báo EU muốn động vào số lợi nhuận khổng lồ chưa được đánh thuế của các tập đoàn Mỹ. Các tập đoàn Mỹ đã tích cóp bấy lâu nay ở nước ngoài số tiền lên đến gần 2.000 tỉ USD, lợi dụng các điều khoản hoãn thuế của Mỹ, theo tạp chí phân tích Vox. Các chính trị gia tại Washington tin rằng chỉ có chính quyền liên bang Mỹ mới có quyền đánh thuế số tiền này. Điều khó khăn là làm sao thuyết phục các tập đoàn này mang số lợi nhuận của họ về nước. Quyết định cứng rắn của Brussels có thể sẽ buộc các chính trị gia của Mỹ gác lại các bất đồng của họ về cải cách thuế và nhất trí về một gói cải cách chính sách cho phép giảm thuế đối với các khoản lợi nhuận mà các tập đoàn cho “hồi hương”. Phía Mỹ nhiều khả năng thà chấp nhận thu thuế ít đi một chút còn hơn là để châu Âu đi trước và làm cho khoản lợi nhuận này vơi đi đáng kể.
Theo hãng tin Reuters, đạo luật thuế của Mỹ cho phép chính phủ nước này đánh thuế gấp đôi các công ty hoặc cá nhân của bất kỳ nước nào phân biệt đối xử với các công ty Mỹ ở nước ngoài. “Vũ khí kinh tế” đáp trả này được thông qua vào năm 1934, tuy nhiên chưa bao giờ được Washington sử dụng. Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Jack Lew đã lên tiếng chỉ trích Ủy ban châu Âu đang đặc biệt nhắm vào các công ty của Mỹ. Nhiều nghị sĩ Hạ viện Mỹ tuần qua đã đề nghị chính phủ cân nhắc đánh thuế gấp đôi các công ty châu Âu nếu EU cứ làm tới. Tuy nhiên, ông Jack Lew vẫn chưa công bố biện pháp đối phó của Washington. Phát ngôn viên Bộ Ngân khố Mỹ thông báo cơ quan này sẽ tìm cách phối hợp với EU để giải quyết các vướng mắc về chính sách thuế.
Những thay đổi sắp tới
Các quốc gia châu Âu trước giờ luôn đi đầu trong các nỗ lực xây dựng một đồng thuận quốc tế về cách khắc phục những lỗ hổng pháp luật trong hệ thống thuế xuyên biên giới. Các nỗ lực này được thúc đẩy trong dự án BEPS thuộc khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Năm 2015, toàn bộ 85 quốc gia thành viên của dự án này đã thống nhất về một loạt biện pháp cải cách thuế xuyên quốc gia. Tuy nhiên, việc thực thi đến nay vẫn chưa được thống nhất. Một số chuyên gia cho rằng hành động của EU lần này chứng tỏ dự án BEPS không còn được tin tưởng bao nhiêu. EU nhiều khả năng sẽ làm cho các tranh luận quốc tế về chính sách chống trốn thuế xuyên quốc gia thêm phức tạp nếu tiếp tục cuộc săn lùng của mình.
Trong cách nhìn nhận của Ủy ban châu Âu, Ireland đương nhiên không phải là quốc gia thành viên duy nhất được Apple tận dụng để né thuế. Một gã khổng lồ với quy mô toàn cầu và mạng lưới kinh doanh toàn cầu như Apple đương nhiên đã đưa ra các thỏa thuận tương tự với nhiều nước khác trong và ngoài châu Âu. Cơ quan của EU chính thức thách thức các thỏa thuận này của Apple.
Các tập đoàn xuyên quốc gia khác cũng có lý do để bắt đầu lo ngại. Chắc chắn chiến dịch của EU sẽ không dừng lại với Apple. Rất nhiều công ty xuyên quốc gia cỡ lớn khác cũng đang được đặt trong phạm vi điều tra của EU. Nhiều khả năng các vụ này sẽ sớm được công bố kết luận điều tra. Phía Apple cũng đưa ra cảnh báo động thái quyết liệt của EU có thể sẽ khiến nhiều nước châu Âu bị giảm đầu tư và mất đi rất nhiều việc làm. Không chỉ riêng Ireland, nhiều nước châu Âu cũng sử dụng mô hình ưu đãi thuế tương tự để thu hút các tập đoàn lớn, theo The New York Times.