Ngày 17-9, nguồn tin của PLO cho biết VKSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ sang tòa cùng cấp để xét xử vụ nhiều giám đốc công ty thủy sản lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của ngân hàng.
Vụ án án được Cơ quan CSĐT tra Công an tỉnh An Giang khởi tố từ năm 2017 với hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng xảy ra tại một ngân hàng thương mại ở An Giang.
Sau năm lần điều tra bổ sung, đến nay, Cơ quan CSĐT đã khởi tố tổng cộng 19 bị can là giám đốc, phó giám đốc và nhiều nhân viên thuộc các công ty thuỷ sản.
Trong đó có: Ngô Văn Thu (tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (nguyên giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc). Các bị can khác là kế toán các công ty.
Đặc biệt, trong lần điều tra bổ sung lần này, cơ quan điều tra đã khởi tố bổ sung tám bị can nguyên là lãnh đạo, kế toán, nhân viên các công ty về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tám bị can này gồm: Dương Dương Phượng Trang (nguyên kế toán Công ty Minh Giàu); Trần Lê Đức Thịnh (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Việt An); Huỳnh Thị Thanh Lan (nguyên kế toán công ty Việt An); Hồ Ngọc Tâm (nguyên phó phòng kế toán), Đặng Thị Kim Phượng (nguyên kế toán trưởng), Cao Thuý Trang (nguyên kế toán) và Trần Hoàng Tuẩn (nguyên nhân viên Công ty Bình Minh); Đỗ Thành Nam (nguyên phó giám đốc Công ty Việt Hưng).
Riêng bị can Thảo và Trang đã bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, tiếp tục truy nã khi, nào bắt được sẽ xử lý sau.
Căn cứ kết luận điều tra bổ sung của cơ quan điều tra, VKSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Agibasa An Giang được thành lập từ tháng 3-2004. Đến ngày 27-2-2007 công ty Agibasa được đổi tên thành Công ty cổ phần Việt An (địa chỉ An Giang) do Lưu Bách Thảo làm tổng giám đốc, Thu làm tổng giám đốc đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh là sản xuất, chế biến cá tra đông lạnh, mua bán, khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, từ năm 2005-2011, Thảo còn thành lập “nhóm công ty gia đình”, gồm các công ty như trên.
Từ năm 2010- 2014, Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng vay vốn theo hạn mức tại ngân hàng.
Để được phát vay theo điều kiện của hợp đồng tín dụng, Thảo và Thu đã chỉ đạo lập nhiều hồ sơ chứng từ khống (lập hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn, chứng từ giả mạo, ghi doanh số mua bán cá tra không có thực,...) để sử dụng làm chứng từ rút vốn vay tại ngân hàng.
Các chứng từ thể hiện tại 100 bộ hồ sơ rút vốn vay còn dư nợ đều là chứng từ giả mạo, hóa đơn ghi doanh số mua bán nguyên liệu cá tra, mua thức ăn thuỷ sản ... không có thật, để làm hồ sơ chứng từ rút vốn vay chiếm đoạt tiền. Tính đến ngày 21-12-2020 thì ngân hàng còn thiệt hại số tiền vốn gốc là hơn 600 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, các bị can khai do Công ty Việt An hoạt động không hiệu quả, không còn nguồn kinh phí và không còn hạn mức để tiếp tục vay vốn nên Lưu Bách Thảo đã chỉ đạo các bị can và bộ phận kế toán, nhân viên công ty lập nhiều bộ hồ sơ khống để được rút vốn tại ngân hàng.
Tách vụ án để điều tra
Ngoài ra, cơ quan CSĐT còn xác định có 14 cá nhân là lãnh đạo, cán bộ nhân viên ngân hàng chưa tuân thủ đầy đủ tác nghiệp so với quy định nội bộ của ngân hàng trong việc nhận và kiểm tra các căn cứ phát tiền vay tại các phụ lục của các hợp đồng tín dụng để Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, hiện chưa đủ căn cứ xác định những người này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do đó, cơ quan điều tra đã tách vụ án tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.