TS Nhị Lê chia sẻ về những trăn trở đau đáu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PLO)- Anh Nguyễn Phú Trọng đau đáu với nỗi lo tha hóa quyền lực mà cụ thể là tham nhũng, tiêu cực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu năm 1984, anh Nguyễn Phú Trọng, lúc đó đang là Phó Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, cùng anh Vụ phó Tổ chức cán bộ bên đó sang Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội tìm người, hướng vào sinh viên khá giỏi. Tôi lúc ấy vừa tốt nghiệp thì đi nghĩa vụ quân sự, nhưng vẫn được thầy dạy là Bí thư Chi bộ Khoa Văn giới thiệu. Việc này sau đó tôi mới biết.

Tháng 3-1984, tôi mang thư giới thiệu của Bí thư Chi bộ tới Tạp chí Cộng sản. Việc tiếp nhận thì nhanh thôi nhưng phải làm thủ tục để ra quân nên đúng ngày 7-5 tôi đến nhận nhiệm vụ.

Hôm đó tôi mới lần đầu tiên gặp, tiếp xúc với anh Nguyễn Phú Trọng. Lần gặp đầu tiên ấy, anh vừa xong khóa học ngắn hạn ở Liên Xô, về nước một hai ngày.

Tôi lúc ấy 25 tuổi, được phân công về Ban Xây dựng Đảng làm việc cùng anh, lúc đó anh 40 tuổi nên xưng hô với nhau anh anh, em em. Quân số Ban Đảng, cách chúng tôi gọi tắt, chừng 5-6 người, rất quý mến và gắn bó.

40 năm kỷ niệm, gắn bó với anh Nguyễn Phú Trọng
TS Nhị Lê trong một lần làm việc với người anh, người thầy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tấm hình này được phóng to, trang trọng ngay bàn tiếp khách nhà riêng nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: NVCC

Phương pháp làm việc rất dân chủ

Anh Nguyễn Phú Trọng từ Phó ban Xây dựng Đảng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, được phân công tham gia Ban Thư ký, rồi Bộ Biên tập, rồi Phó Tổng biên tập thì đều phụ trách mảng xây dựng Đảng. Tôi cũng thế.

Ngần ấy năm ở Tạp chí Cộng sản cho đến giờ là Tổng Bí thư, với tôi, anh vừa là một người anh, một người đồng nghiệp, người thầy và là thủ trưởng.

Năm đầu 1984 ấy, cứ mỗi tuần, anh giao tôi đọc hai cuốn sách cụ thể, rồi thảo luận về nội dung sách. Rất nhiều cuốn là sách kinh điển. Năm tiếp theo thì giao tôi đi thực tế. Viết lách thì có những bài anh biên tập đi biên tập lại, yêu cầu tôi sửa 7 lần, có cả xóa đi viết lại từ đầu.

Phương pháp làm việc của anh rất dân chủ. Có những chuyến đi thực tế, cả đoàn ghi nhận hết rồi thì về họp, mỗi người nêu một góc nhìn, phân tích riêng, rồi bàn nhau viết hay không viết, nếu viết thì về khía cạnh nào, chọn chủ đề gì.

Những năm 1989, 1990 trong nước nổi lên hai vấn đề lớn mà Tạp chí Cộng sản đưa ra thảo luận, phân tích rất nhiều là hiện tượng cường hào mới ở nông thôn có hay không và vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân. Các cuộc thảo luận rất sôi nổi nhưng tôi nhớ nhất là sự kiện binh biến Liên Xô tháng 8-1991. Hôm đấy anh Nguyễn Phú Trọng mới nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản được vài ngày. Chính anh đã chấp bút viết một loạt bài phân tích vì sao Liên Xô sụp đổ...

nguyen-phu-trong-DenHung.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân trong một dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Nguồn cơn thông điệp củi lửa

Tại Tạp chí Cộng sản nhưng những cuộc bàn tròn về chủ đề phòng, chống tham nhũng sôi nổi lắm, nhất là khi xuất hiện những bài viết của tác giả NVL trên báo Nhân Dân. Trong không khí ấy, trên báo Quân đội Nhân dân, năm 1987 tôi có bài Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực vì sự sống còn của CNXH.

Năm 1991, tôi viết bài Vì sao càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng bung ra, trên Tạp chí Cộng sản. Tổng Biên tập Nguyễn Phú Trọng trực tiếp biên tập, trao đổi, góp ý là tít này nặng quá nhưng vẫn chỉ đạo chúng tôi theo đuổi mảng đề tài này.

Bẵng thời gian anh làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, đến đầu năm 2011, anh được Đại hội XI bầu làm Tổng Bí thư. Anh gọi tôi lên nói chuyện, trong câu chuyện tôi tiếp tục nhấn mạnh vấn đề phòng, chống tham nhũng, rằng không thể đổi mới được nếu cứ tham nhũng như thế này. Anh chỉ đạo tôi tiếp tục đào sâu, nghiên cứu.

Cũng phải nói, nhiệm kỳ Tổng Bí thư đầu tiên, công tác phòng, chống tham nhũng còn khó khăn lắm. Bản thân anh rất quyết tâm nhưng cũng đang trong quá trình tiếp cận dần dần vấn đề khó khăn phức tạp này. Chúng ta chứng kiến giọt nước mắt lịch sử của Tổng Bí thư là thế.

Phải cuối nhiệm kỳ thì mới định hình rõ hơn. Đó là lần Tết Nguyên đán năm 2016. Nhà anh Tết nào cũng tự gói, nấu bánh chưng tặng mọi người. Lần đó, con trai lớn anh nói là củi còn tươi lắm. Anh bảo cứ gác củi còn tươi quanh bếp, rồi dần sẽ cháy. Và vận vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới ra cái ý đó, “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

Nỗi lo chọn sai người đứng đầu...

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chăm lo, quan tâm nhất phải là công tác cán bộ. Anh rất hay nhắc câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Sau khi có đường lối đúng thì nhân tố quyết định thành công là công tác cán bộ". Còn tôi, khi trao đổi thì góp ý thêm là phải chống tham nhũng thì mới có cán bộ tốt được.

Khi anh trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, mỗi năm anh gọi tôi lên Văn phòng Tổng Bí thư hai lần, nhiều lắm bốn lần, thường là vào dịp tháng 12, chẳng hạn để chuẩn bị thông điệp đầu năm, hoặc gắn với việc chuẩn bị các hội nghị lớn. Mỗi cuộc như vậy lâu lắm chỉ 30 phút. Anh rất kiệm lời, thường chỉ nêu vấn đề để tôi trình bày.

Vẫn như trước, anh không vội nhận xét về các vấn đề anh em nêu nhưng luôn khuyến khích bằng những câu ngắn gọn như “hay đấy”, “tiếp tục nghiên cứu đi”. Ưng ý lắm thì cũng chỉ nói đến vậy: “Về nghiên cứu tiếp, chín thì nói anh nghe”. Còn khi không hài lòng, chưa đồng tình thì gỡ kính mắt ra, đặt “cạch” cái xuống bàn...

Anh kiệm ngôn đến mức tôi phải thú thật là không biết anh nghĩ gì. Và dường như, chỉ những lúc quyết định nhất anh mới bộc lộ quan điểm. Nhưng quan sát, cảm nhận thì cả cuộc đời anh đau đáu về Đảng, lo nỗi lo lớn nhất về Đảng và luôn nhắc tới bài học Liên Xô tan rã.

nguyen-phu-trong-HaiPhong (2).jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần về dâng hương đền thờ Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ảnh: TTXVN.

Ở nhiệm kỳ Tổng Bí thư đầu tiên, khóa XI, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà anh chỉ đạo xây dựng luôn ưu tiên vấn đề người đứng đầu. Anh chọn trách nhiệm người đứng đầu làm điểm đột phá. Rồi trách nhiệm nêu gương cũng nhấn mạnh người đứng đầu, người nắm giữ chức vụ cao. Và gần đây nhất, bài phát biểu tâm huyết ở Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII này, anh cũng nhấn mạnh nỗi lo chọn sai người đứng đầu.

Cùng với mối quan tâm về Đảng, anh luôn trăn trở mối quan hệ Đảng – Nhân dân. Luận án Phó tiến sĩ về xây dựng Đảng mà anh bảo vệ ở Liên Xô cũ là về chủ đề này. Thời điểm đấy, ngay cả lãnh đạo công tác tư tưởng của ta cũng chưa đồng tình lắm với hướng tiếp cận đề tài này nhưng anh Trọng vẫn quyết tâm làm, bảo vệ và được đánh giá xuất sắc.

… và nỗi lo quyền lực bị tha hóa

Anh Nguyễn Phú Trọng cũng đau đáu với nỗi lo tha hóa quyền lực mà cụ thể là tham nhũng, tiêu cực. Năm 1994, khi đang là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, anh được bầu bổ sung vào Trung ương ở hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị Đại hội VIII. Quá trình dự thảo, tôi nhớ là đặt vấn đề bốn nguy cơ: Nguy cơ chệch hướng, nguy cơ tụt hậu xa hơn, nguy cơ quan liêu tham nhũng, nguy cơ diễn biến hòa bình.

Được gọi lên góp ý, tôi tập trung vào nguy cơ thứ 3, đề nghị nếu được thì diễn đạt đầy đủ hơn nguy cơ "tham nhũng dưới mọi hình thức”. Anh em trao đổi rất nhiều nhưng rồi sau đó vì yêu cầu ngắn gọn, súc tích nên ở nguy cơ thứ ba ấy, vấn đề tham nhũng chỉ dừng lại ngắn gọn hai từ “tham nhũng”.

Vấn đề này tiếp tục được anh quan tâm khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng năm 2012. Anh tiếp tục gọi tôi lên mấy lần hỏi ý kiến. Vẫn là phong cách anh lắng nghe, còn tôi trình bày.

Lúc này vấn đề “tham nhũng” được mở rộng hơn, với nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị. Thực tiễn ấy, dư luận, báo chí khi ấy đã đặt vấn đề về các “vua con”, dù hai từ này không mới, đã được Bác Hồ cảnh báo từ lâu rồi. Anh lắng nghe, rồi bảo: "Cái này em nghiên cứu kỹ nhé. Khi nào chín muồi sang báo cáo anh".

Phong cách anh vẫn thế, nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, không bộc lộ nhiều. Ngay cả bài viết tôi gửi trước để anh đọc, hoặc trong trao đổi, ý nào chưa đồng tình, anh chỉ nhẹ nhàng: Chỗ này chừng mực thôi, quá không nên, chú cân nhắc. Điểm nào cần tìm hiểu thì anh chỉ hỏi các câu trung tính: Vì sao, vì sao thế này mà không thế khác.

Phương pháp làm việc khoa học, khách quan, thận trọng ấy của nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng luôn dẫn dắt tôi trong từng bước đường của công tác người làm báo, người nghiên cứu và kể cả sau này khi đã nghỉ hưu.

TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm