Lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cơ quan đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Việt Nam, đã gửi Bộ Thương mại Mỹ hai lá thư trong vòng chỉ vài tháng để khẳng định Việt Nam đáp ứng đầy đủ với các quy định của luật pháp Mỹ về kinh tế thị trường.
Bức thư đầu tiên do ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch cấp cao của USABC, ký gửi vào tháng 12 năm ngoái. Bức thư thứ hai do cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (VN) Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC, ký gửi vào tháng 2 năm nay để phản biện lại những quan điểm mà ông Ted Osius cho rằng “lỗi thời”, “không còn phù hợp” để đánh giá về hiện trạng nền kinh tế VN và quy kết nền kinh tế VN là “phi thị trường”.
Hai lá thư, hai thời điểm nhưng nhất quán một thông điệp: Cả sáu tiêu chí về quy chế kinh tế thị trường mà luật pháp Mỹ quy định, không có tiêu chí nào mà VN chưa đạt được. Tất nhiên, bất kỳ nền kinh tế nào, kể cả Mỹ, cũng tồn tại những hạn chế, thách thức. Thế nhưng, với mức độ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa VN và Mỹ, với thực tế vận hành của nền kinh tế VN, với nhận thức và nỗ lực của VN về kinh tế thị trường từ sau Đổi mới năm 1986 đến nay qua những cải cách mang tính đột phá về pháp luật, chính sách, cơ chế… thì những hạn chế, thách thức còn tồn tại không mang tính điển hình để phủ nhận sự cởi mở, hội nhập sâu rộng của nền kinh tế thị trường VN.
Nói như ông Murray Hiebert, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, việc Mỹ vẫn chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường với VN thật là “khó hiểu” trong bối cảnh VN đã và đang là “thỏi nam châm” thu hút sự đầu tư của các nền kinh tế lớn. Trong vòng vài năm qua, hàng chục doanh nghiệp có quy mô vốn hàng đầu Mỹ, thậm chí là hàng đầu thế giới, đã đến VN và nhiều nhà đầu tư trong số đó đã mạnh dạn đầu tư lớn trước những cơ hội mà Chính phủ, thị trường VN đã tạo ra.
Không ít chính khách, chuyên gia và nhà đầu tư Mỹ khẳng định trong bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế thế giới đang chuyển biến phức tạp với chiến tranh Nga - Ukraine, Trung Đông, chiến tranh thương mại… thì VN là quốc gia rất phù hợp với chiến lược friend-shoring (đặt cơ sở sản xuất tại các quốc gia thân thiện, bằng hữu) của Mỹ. Lý do không chỉ vì nền chính trị VN ổn định, thị trường cởi mở, giàu tiềm năng mà quan trọng hơn cả là thái độ chân thành, giàu thiện chí của Chính phủ VN. Điều này thể hiện rõ khi chỉ trong gần 30 năm từ khi bình thường hóa quan hệ, VN và Mỹ đã có những bước nhảy vọt trong quan hệ, từ cựu thù đến “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”, đưa trạng thái quan hệ hai nước lên tầm cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện (bên cạnh sáu nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc).
Chưa dừng lại ở đó, trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, VN là một đối tác tin cậy, quan trọng, được giới quan sát ví von là “chìa khóa” tại khu vực Đông Nam Á và thậm chí sức ảnh hưởng ngày càng rộng hơn vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có yếu tố “năng động” của nền kinh tế thị trường. Đó là lý do không chỉ Mỹ, mà Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Ấn Độ… trong chính sách hướng về phía đông của họ luôn nhắc đến tầm quan trọng của VN.
Đó chính là lý do giải thích VN đã gia nhập và tiếp tục sẽ gia nhập những tổ chức quan trọng của thế giới như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ rất sớm (năm 2007), cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTAs) trong khu vực và toàn cầu. Trong đó có những FTAs thế hệ mới, với vô số quy định gắt gao về độ mở thị trường, nguồn lao động, dòng vốn, chính sách tài khóa, tỉ giá, quyền con người… Thậm chí, những đòi hỏi từ các FTAs nói trên còn cao hơn cả bộ sáu tiêu chí về kinh tế thị trường mà phía Mỹ quy định.
Vậy, lý do gì để Mỹ không loại VN ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế “phi thị trường” vào cuối tháng 7 tới đây!?