CHUYÊN GIA KINH TẾ BÙI KIẾN THÀNH

Từ chính khách tới cố vấn cho ba đời thủ tướng

Trước năm 1975, Bùi Kiến Thành từng là bạn vong niên của tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu; rồi trở thành một doanh nhân hàng đầu, quyền lực nhất Việt Nam, nhà đầu tư bất động sản tầm cỡ; thậm chí từng vào tù. Sau năm 1975 cho đến nay, ông trở thành cố vấn cho ba đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng. Ông đã và đang góp sức cho sự phát triển của đất nước Việt Nam theo chiều hướng giàu mạnh lên.

Từ chàng thiếu niên chỉ học đến lớp 6

Ông sinh năm 1931 ở Quảng Nam, trong gia tộc họ nội là điền chủ giàu có, họ ngoại là quan lại cấp cao trong triều đình nhà Nguyễn. Cha ông là BS Bùi Kiến Tín, một bác sĩ du học từ Pháp về, sau này trở thành một nhà tư bản sản xuất thuốc Việt nổi tiếng với dầu khuynh diệp, BS Tín nổi tiếng khắp miền Nam thập niên 1950 đến 1975, là tiền thân dầu khuynh diệp mẹ bồng con hiện nay, có quan hệ thân thiết với gia đình Ngô Đình từ trước. Từ năm 1954-1955, BS Tín từng làm bộ trưởng Bộ Thông tin dưới thời Ngô Đình Diệm, rồi từ nhiệm.

Bùi Kiến Thành kể do ở quê và phải di chuyển liên tục theo việc học của một người chú nên cho đến năm 16 tuổi ông chỉ mới học đến trình độ lớp 6. Ông muốn thi đậu tú tài đúng năm tuổi 18, cha mẹ ông đã mướn vị kỹ sư canh nông về dạy kèm ông và hai người thân khác tại nhà. Trong hai năm đó, ông đã miệt mài học hết chương trình từ lớp 6 đến lớp 12. Tuy nhiên, học xong thì ông không có học bạ để được thi ở Việt Nam, vậy là ông được gia đình đưa qua Pháp để đăng ký thi tú tài tự do. Qua tới Pháp, ông lại phải miệt mài học Pháp văn sáu tháng liền theo kiểu gạo bài để vượt qua kỳ thi tại đây. Thi xong, ông muốn học đại học ngành hàng không vũ trụ nhưng cha ông lại yêu cầu ông sang Mỹ học đại học nào đó thiết thực hơn vì ngành hàng không vũ trụ không sử dụng được ở Việt Nam. Nhưng muốn học ở Mỹ thì phải biết tiếng Mỹ, vậy là anh tú tài Kiến Thành trình độ tiếng Anh chỉ abc lại phải sang London, Anh quốc học tiếng Anh thêm sáu tháng. Từ Anh, Kiến Thành qua Mỹ để học đại học ngành ngân hàng.

Tại Mỹ, qua một người bạn, Bùi Kiến Thành đã gặp Ngô Đình Diệm lúc này đang là một nhà chính trị lưu vong. Tình đồng hương của những người trí thức thân hữu xa quê khiến mọi người trở nên gần gũi hơn để anh thanh niên Bùi Kiến Thành trở thành bạn vong niên với nhà chính trị Ngô Đình Diệm hơn mình 30 tuổi. Thành từng theo Ngô Đình Diệm đi dự hội thảo với vai trò thư ký và nghe ông nói suốt đêm về chuyện quốc gia, dân tộc; hay chạy đi mua một cái cà vạt mới cho Ngô Đình Diệm vì lúc đó ông ấy không một xu dính túi, cứ xài mãi cái cà vạt cũ mèm… Với sự biến đổi của thời cuộc, năm 1954, Ngô Đình Diệm về nước thành lập nội các, làm thủ tướng, rồi trở thành tổng thống mà lại hiếm hoi thân tín, trợ thủ. Ông Diệm đã mời gọi những bạn bè, thân hữu, trí thức từ nước ngoài về giúp mình, trong đó có anh thanh niên Bùi Kiến Thành mới 23 tuổi.

Ở tuổi 84 nhưng ông Bùi Kiến Thành lúc nào cũng sôi nổi ý tưởng và tâm sức cống hiến cho đất nước.

Ông cố vấn cho ba đời thủ tướng

Ở Pháp, Bùi Kiến Thành vẫn gặp gỡ một số nhân sĩ trí thức Việt Nam và quan tâm đến tình hình đất nước. Cuộc chiến khi hai miền đất nước chia cắt luôn làm ông đau đáu về sự thống nhất, hòa hợp dân tộc và có quan hệ thân thiết với sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp. Hòa bình lập lại sau tháng 4-1975, Bùi Kiến Thành đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và có ngỏ lời “Tôi có giúp được gì trong việc xây dựng đất nước không”…

Mãi đến năm 1980-1981, đại sứ quán thông qua ông Hứa Hiền Minh hẹn gặp Bùi Kiến Thành ở Paris để chuyển lời của ông Phạm Hùng đang là phó thủ tướng về việc xin ý kiến tháo gỡ tình hình kinh tế của Việt Nam đang gặp thế bí thiếu đói mà Mỹ cấm vận, Trung Quốc đánh ở phía Bắc, Polpot đánh ở phía Nam. “Lúc đó tôi nói dân phải giàu thì nước mới mạnh được. Chúng ta phải đồng thuận về tư tưởng dân giàu nước mạnh mới nói chuyện tiếp được. Mấy tháng sau thì các anh bên nhà quay lại gặp tôi và thông báo lãnh đạo đã đồng ý quan điểm dân giàu nước mạnh…” - Bùi Kiến Thành kể. Ông rất tự hào rằng mình đã góp phần vào việc lấy lại quyền tự do kinh doanh cho người dân, tạo ra bước đầu của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam khi Nhà nước bắt đầu chủ trương chuyển nền kinh tế quốc dân thành nền kinh tế nhiều thành phần.

Tầm nhìn “trăm năm sau” cho đất nước

Đến năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam mất nguồn viện trợ lớn, một lần nữa các nhà lãnh đạo đất nước dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại hỏi ý kiến của ông và tìm cách thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Bùi Kiến Thành đã được mời về nước. Song song đó ông tư vấn cho Nhà nước về các vấn đề Campuchia, về các mối quan hệ quốc tế thế nào cho khéo léo… để tiến tới việc Mỹ bỏ cấm vận. Với vấn đề biển Đông, ông cũng có nhiều ý kiến tư vấn và làm cầu nối cho nhiều hoạt động kinh tế-chính trị Việt-Mỹ để làm lợi cho việc bảo vệ chủ quyền.

Ông cũng là người đưa ra nhiều kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam như xây dựng ngành điện, ngành ngân hàng Việt Nam, xây dựng cảng biển ở vịnh Vân Phong… với nhiều hoài bão dù có việc thành, có việc bại. Bị chất vấn về những việc bại như vụ vịnh Vân Phong, ông thẳng thắn nói: “Từ năm 2002 tôi có ý kiến về việc xây dựng cảng biển Vân Phong, đến năm 2007 thì Chính phủ giao cho tỉnh Khánh Hòa làm. Nhưng tỉnh chẳng làm gì cả mà chỉ phân đất ra bán cho người này, người kia rồi thôi. Trong khi đó, Vân Phong là một vịnh đẹp, có độ sâu hiếm có, trên thế giới bao nhiêu nước ao ước, có thể cho những tàu lớn nhất thế giới vào được, hơn hẳn cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép… Nó lại là con đường hàng hải ra biển Đông rất gần. Với lợi thế đó, Vân Phong hoàn toàn có thể phát triển như New York, San Francisco chứ đừng nói như Singapore. Đó là tầm nhìn của tôi cho trăm năm sau của đất nước...”.

Với bao nhiêu trăn trở đó, hiện ở tuổi 84, Bùi Kiến Thành vẫn đang khỏe mạnh, hăng say, tươi trẻ và tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm