Tư duy tiểu ngạch

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho rằng DN ngại làm ăn chính ngạch với TQ do nhiều nguyên nhân. Một là do rào cản ngôn ngữ. Hai là DN thấy có người đến tìm mình thì sẵn đó “ráp” vô làm ăn chứ chưa chủ động đi tìm đối tác. Người đến tìm chủ yếu là tư nhân buôn bán tiểu ngạch. Mặt khác, hàng tiểu ngạch chịu thuế thấp hơn, không bị kiểm soát về thanh toán, không bị kiểm tra hàng, không cần công bố chất lượng… Thế nhưng bất lợi lớn nhất là kinh doanh bằng đường tiểu ngạch thì không có cơ hội nào cho DN xây dựng thương hiệu.

Một DN trong ngành đường chia sẻ rủi ro khi làm ăn tiểu ngạch. Ví dụ, đối tác than chưa bán được hàng nên chưa trả tiền, khiến vốn bị tồn lâu. Có nhiều lúc DN chở hàng đến giao nhưng họ “giở chứng” không lấy nữa. Theo DN này, vì đường là sản phẩm có thể để lâu trong kho, đối tác không mua thì mình mang về, nếu là hàng tiêu dùng ngay thì chỉ có nước hạ giá, năn nỉ đối tác nhận giùm. Rủi ro rình rập khiến DN đường này muốn chuyển sang chính ngạch.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện có nhiều DN muốn chuyển từ tiểu ngạch sang buôn bán chính ngạch. Thế nhưng DN chịu áp lực lớn từ những người phân phối tại biên giới khi họ tuyên bố không làm ăn với DN nữa. Một số ý kiến khác cho rằng để giảm áp lực, DN nên từng bước đưa ra sản phẩm cùng loại nhưng mang thương hiệu khác đi đường chính ngạch.

DN đang dần thay đổi tư duy và ngày càng nhiều DN có nhu cầu kinh doanh hàng chính ngạch. Thế nhưng chọn con đường nào, đi cách nào hiện là bài toán khó cho DN.

Cái khó nhất cho DN hiện nay có lẽ là tư duy tiểu ngạch của các bộ, ngành. Dường như các bộ, ngành chỉ quan tâm đến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu ở tận châu Âu, Mỹ, Nhật… mà quên thị trường TQ. Có lẽ vì vậy mà các bộ, ngành chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường chính ngạch.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm