Từ ngày 1-7-2011: Xử tử hình bằng tiêm thuốc độc

Với 427/435 ý kiến tán thành (86,61%), Luật Thi hành án hình sự gồm có 15 chương và 182 điều đã được Quốc hội thông qua vào ngày 17-6. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2011 (ngày luật có hiệu lực), tử tù sẽ được tiêm thuốc độc thay vì bị xử bắn như hiện nay. Quy trình thực hiện sẽ do Chính phủ quy định…

Được nhận xác tử tù về an táng

Theo bà Lê Thị Thu Ba - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc nghiên cứu thay thế hình thức thi hành án tử hình đặt ra từ nhiều năm nay. Qua nghiên cứu cho thấy việc xử bắn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng xấu đến tinh thần của cả người thực hiện thi hành án, thân nhân người phải thi hành án (có trường hợp chiến sĩ sau khi thực hiện nhiệm vụ đã phát bệnh tâm thần vì ám ảnh)… Trong khi đó, việc thi hành án tử bằng biện pháp tiêm thuốc độc hoàn toàn khả thi, nhiều ưu điểm hơn là xử bắn.

Cạnh đó, nếu thực hiện theo cả hai hình thức là tiêm thuốc độc và xử bắn như có ý kiến đại biểu đề nghị sẽ phải có cơ chế giải quyết để người phải chấp hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền lựa chọn… Điều này sẽ nảy sinh việc thực hiện không thống nhất, tốn kém không cần thiết.

Với lập luận thuyết phục như thế, 419/433 đại biểu có mặt đã thông qua điều khoản này.

Từ ngày 1-7-2011: Xử tử hình bằng tiêm thuốc độc ảnh 1

Tới đây, những tử tù như thế này sẽ được tiêm thuốc độc thay vì xử bắn. Ảnh: HTD

Việc nhận xác tử tù cũng được luật quy định theo hướng cho phép thân nhân của tử tù được nhận tử thi về an táng. Cụ thể, trước khi tiêm thuốc, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tử tù được quyền gửi đơn đến chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng, cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự túc chi phí. Chánh án sẽ xem xét đơn và có quyền không cho nhận tử thi khi có căn cứ cho thấy việc nhận xác của thân nhân ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng

Luật cũng quy định là người chấp hành án ngoài hình phạt tù mà vẫn tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì sẽ được hưởng tiền lương, chế độ phù hợp và vẫn được tính vào thời gian công tác.

Luật cũng cho phép phạm nhân có thể được gặp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Việc giải quyết cho thăm gặp do giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, công an cấp huyện quyết định.

Luật còn quy định là phạm nhân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi sẽ được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Cạnh đó, luật còn cho phép phạm nhân được phép gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ nếu phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này sẽ động viên phạm nhân chấp hành án tốt hơn…

Phạt tiền gấp bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Với vi phạm hành chính, trường hợp mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thấp hơn giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt tính theo giá trị thực phẩm nhưng không quá bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm. Luật cũng xem hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật, đăng tải thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm, cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm… là vi phạm và có chế tài nặng.

Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011), Luật Trọng tài thương mại, Luật Bưu chính, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Người khuyết tật, Luật Nuôi con nuôi (đều có hiệu lực từ 1-1-2011).

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm