Sau gần 90 năm rời quê nhà, nhạc sư Vĩnh Bảo đã chọn nơi ông sinh ra để trở về sống những ngày cuối đời. Quê nhà Cao Lãnh đã đón ông bằng hai không gian riêng, một ngôi nhà để ông sống và một nhà trưng bày tư liệu cuộc đời ông.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19-8-1918, tại làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Như trí nhớ của ông thì “kể từ lần cuối về Cao Lãnh là năm 1973 thì đến giờ tui mới về lại. Xưa Cao Lãnh chỉ có một con đường, giờ đường sá nhiều quá, những gì của ngày xưa như không còn, sống ở đây cũng như xứ sở lạ nhưng người dân thì rất dễ thương… Mà nói cho đúng ngay từ trước 1973 tui cũng ít về nhà, tui lêu bêu sống từ Campuchia, Sài Gòn, Pháp, Mỹ… từ thời nhỏ nên giờ ở đâu cũng như khách” - nhạc sư Vĩnh Bảo chia sẻ.
Cao Lãnh giờ không còn nhiều di tích thuở xưa, nhà thầy thuốc Lư là một trong những di tích đặc biệt của Cao Lãnh. Ảnh: Quỳnh Trang
Vào đầu năm 2018, sau khi nghe bà Vũ Kim Anh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) kể về nhạc sư Vĩnh Bảo, một người con Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp đã tự tìm thông tin về nhạc sư.
Tháng 3-2018, ông Hoan cùng một số lãnh đạo tỉnh đã tìm lên đến nhà ở Sài Gòn để mời nhạc sư một chuyến về thăm ở Cao Lãnh. Trong chuyến về thăm, nhạc sư Vĩnh Bảo đã có suy nghĩ quay trở về quê sống. Khi biết ý định của nhạc sư, lãnh đạo tỉnh đã mời nhạc sư trở về ở hẳn tại Cao Lãnh. Nhạc sư cũng tặng toàn bộ tư liệu hơn 80 năm của đời mình để làm nhà trưng bày.
Nhà trưng bày mở cửa miễn phí dành cho công chúng. Đây cũng là không gian để nhạc sư Vĩnh Bảo đến nói chuyện về âm nhạc dân tộc - Ảnh: Quỳnh Trang
Nhà trưng bày nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời nằm trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp (226 Nguyễn Thái Học, phường 4, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Nhà trưng bày chính thức hoạt động từ ngày 18-8 vừa qua nhân dịp sinh nhật nhạc sư Vĩnh Bảo.
Hoạt động từ ngày 18-8-2018, nhà trưng bày đón rất nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế - Ảnh: Quỳnh Trang
Căn nhà được sử dụng làm nhà trưng bày nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời là một trong những di tích đặc trưng từ thời Pháp còn lại của TP Cao Lãnh. Đây xưa được gọi là “Nhà thầy thuốc Lư” tức nhà riêng của bác sĩ Lư - một trong những địa chủ lớn ở Cao Lãnh trước đây. Nó nằm trong cụm di tích Dinh Quận và Dinh Cò. Trước 1975, Nhà thầy thuốc Lư từng là tổng hành dinh của quân đội Hòa Hảo, nhà của Ty công chánh Kiến Phong (Cao Lãnh thuộc tỉnh Kiến Phong giai đoạn 1960-1970). Sau 1975, tòa nhà được giao cho Công ty cầu đường và đến năm 1982, được giao cho Bảo tàng Đồng Tháp.
Những hình ảnh cuộc đời nhạc sư Vĩnh Bảo được ghi chú cẩn thận trong nhà trưng bày - Ảnh: Quỳnh Trang
Toàn bộ quá trình nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, hiện vật của nhà trưng bày Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời diễn ra trong gần ba tháng. Nhà trưng bày gồm các cụm chủ đề chính: Quê hương và gia đình, Quá trình hoạt động âm nhạc dân tộc, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong lòng công chúng và giới chuyên môn; Những thành tích nổi bật của nhạc sư.
Các bài bản cổ của nhạc sư Vĩnh Bảo sáng tác - Ảnh: Quỳnh Trang
Bên cạnh nhà trưng bày, tỉnh Đồng Tháp còn kêu gọi một số mạnh thường quân đóng góp để nhạc sư Vĩnh Bảo có một căn nhà riêng tại Cao Lãnh. “Từ phía tỉnh cho biết tỉnh không lấy ngân sách nhà nước để cấp nhà cho ông ở mà kêu gọi mạnh thường quân. Từ đó gia đình đồng ý và đóng góp tiền cùng các mạnh thường quân để mua căn nhà tại Cao Lãnh cho ông như hiện nay” - bà Thu Anh, con gái nhạc sư Vĩnh Bảo, kể.
Lời ghi lại của TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, trong Sổ lưu niệm tại Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời - Ảnh: Quỳnh Trang