Tư nhân không ngửa tay xin vài tỉ đồng!

Thực ra, đây có thể là một “mâu thuẫn” khi khu vực kinh tế tư nhân vừa cần một không gian tự do để kinh doanh, mặt khác lại cần Nhà nước hỗ trợ với nhiều mục tiêu khác nhau.

Về bản chất, Nhà nước triển khai nghiêm những quy định của Hiến pháp, pháp luật về tự do kinh doanh đã là một cách “hỗ trợ” hữu hiệu nhất đối với cả nền kinh tế. Vì những hỗ trợ cụ thể về thuế hay tài chính thực ra không đáng là bao so với vốn liếng mà tư nhân đã bỏ ra đầu tư vào nền kinh tế.

Chẳng thế mà từ giữa năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ luôn nhất quán một quan điểm rằng những hỗ trợ tài chính, thuế… từ Nhà nước cho doanh nghiệp (DN) thực ra không đáng là bao so với những gì DN cần. Ấy là chưa kể đến việc những thủ tục để nhận được hỗ trợ này cũng rất nhiêu khê. Thay vì hỗ trợ cụ thể dăm ba tỉ thì có lẽ cách thức hỗ trợ tốt nhất là đơn giản hóa thủ tục về kinh doanh.

Nhưng có lẽ đó cũng mới chỉ là một phần thiết yếu mà khu vực kinh tế tư nhân cần. Từ trước tới nay, các cơ quan chuyên môn, cơ quan độc lập và ngay cả bản thân DN luôn mong muốn có một môi trường kinh doanh bình đẳng và an toàn. Sự an toàn ấy thật ra phải đến từ một “sự bảo vệ” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến chiều 2-5.

Thủ tướng nêu rõ DN cần được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Đó mới là điều cốt lõi cho DN yên tâm đầu tư, kinh doanh và phát triển. Bởi lẽ, một khi quyền tài sản của DN và cả người dân không được đảm bảo thì “thể chế tước đoạt” có thể bóp nghẹt mọi nỗ lực kinh doanh. Những cuộc thanh tra, kiểm tra mà nhiều DN từng lên tiếng khi không chịu nổi, thực ra ở một góc độ nào đó sẽ phương hại tới quyền tài sản của DN.

Những vụ “hình sự hóa” quan hệ kinh tế chân chính đã làm nhiều DN dính vào lao lý là một biểu hiện rõ hơn của việc quyền tài sản chưa được pháp luật bảo vệ. Thế mới biết rằng một khi DN đem tài sản ra kinh doanh thì yêu cầu đầu tiên là quyền tài sản được tôn trọng.

Và hệ quả tất yếu là: Khi quyền tài sản của DN và người dân được tôn trọng thì trong bất cứ trường hợp nào, quyền này sẽ là “kim chỉ nam” dẫn dắt toàn bộ chính sách kinh tế. Vì thực ra khi nói tới môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh thì mục tiêu cuối cùng cũng là để bảo đảm quyền tài sản.

Vậy câu hỏi “tư nhân cần gì?” đã có câu trả lời từ Thủ tướng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới