Từ quy ước lạ ở Cà Mau, bàn về nội dung hương ước

Ở  Việt Nam, hương ước, quy ước tồn tại song song với pháp luật và được coi là cánh tay nối dài của pháp luật.

Mục đích tốt đẹp của hương ước

Theo Quyết định 22/2018 của Thủ tướng, hương ước là để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hương ước nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư” (Điều 2 Quyết định 22).

Với mục đích tốt đẹp như vậy, có những hương ước đã mang lại kết quả tích cực trong cuộc sống như hương ước của xã Tam Hợp (Nghệ An) về bảo tồn, nghiêm cấm mọi hành vi đánh bắt đã giúp những con suối được hồi sinh.

Quy ước mới dựng lên vài tháng nhưng đã xuất hiện những lấn cấn không đáng. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, địa phương đã cho dỡ bỏ tấm biển quy ước. Ảnh: TRẦN VŨ

Thế nhưng hương ước, quy ước là văn bản mang tính cộng đồng nên đôi khi mang tính cục bộ. Quy ước tại xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau quy định toàn bộ các ấp trong xã thực hiện quy ước người dân ấp nào mới được đánh bắt cá dưới sông ở ấp đó. Người dân nơi khác đến đánh bắt cá sông của ấp sẽ bị lập biên bản và xử lý theo quy ước của ấp mang tính cục bộ rất lớn. Quy ước, hương ước như vậy là đi ngược với mục đích cao đẹp của hương ước, quy ước nên cần xem xét lại.

Cần rà soát quy trình xây dựng

Quyết định 22 đã đưa ra một quy trình xây dựng hương ước, quy ước, trong đó UBND cấp huyện có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước. Thế nhưng liên quan đến quy ước ở xã Khánh Lộc nêu trên, địa phương cần rà soát quy trình xây dựng quy ước đã phù hợp với Quyết định 22 hay chưa.

Hương ước, quy ước chỉ được công nhận khi nội dung không được trái pháp luật, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm quyền con người, quyền công dân hay không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất (Điều 4 Quyết định 22).

Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16). Vì vậy, quy ước lạ ở xã Khánh Lộc nêu trên trái với nguyên tắc bình đẳng trong hiến pháp. Cạnh đó, quy ước này cũng trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Theo đó, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản (Điều 3 BLDS 2015).

Thực tế, chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cũng khẳng định “việc ngăn sông như vậy là không đúng rồi” và đã cho tháo dỡ biển cấm rồi.

Phạm vi áp dụng của hương ước, quy ước

Hương ước, quy ước là văn bản được hình thành trên cơ sở “ưng thuận” của cộng đồng dân cư. Khi xây dựng hương ước, quy ước phải bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư. Một khi được thông qua, hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm tự tìm hiểu, tôn trọng, tuân thủ và thực hiện hương ước, quy ước đã được công nhận (khoản 1 Điều 12).

Chính vì mang tính “ưng thuận” nên hương ước, quy ước chỉ ràng buộc những người trong cộng đồng dân cư đã có hương ước, quy ước được thông qua. Vì vậy, việc ấp này ra quy ước hạn chế quyền của cư dân nơi khác là đã vượt quá phạm vi áp dụng của nó nên cũng cần phải xem xét lại.

Tóm lại, hương ước, quy ước mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và nhiều hương ước, quy ước đã đem lại những kết quả tốt đẹp, hướng tới cuộc sống văn minh. Tuy nhiên, “tự quản” chứ không phải “tự trị”, hương ước, quy ước không thể là công cụ để bảo vệ những lợi ích mang tính cục bộ.

Vì vậy, khi xây dựng hương ước, quy ước cần lưu ý tới nội dung và khi hương ước, quy ước có nội dung không phù hợp thì cần sớm được thay thế.

(*) Tác giả - PGS-TS Đỗ Văn Đại hiện là trưởng Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Đã gỡ biển quy ước “cấm dân ấp khác đến đánh bắt cá”

Chiều 21-2, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, thông tin đã gỡ toàn bộ biển cấm đánh bắt cá ở xã Khánh Lộc ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin về những biển cấm lạ này.

“Địa phương đã gỡ xuống hôm thứ Bảy rồi. Chủ tịch xã Khánh Lộc đến báo cáo đã nhận khuyết điểm. Tôi cũng chỉ đạo xã rà soát quy ước, nếu có chỗ chưa ổn theo quy định thì đề xuất lên huyện để điều chỉnh ngay” - ông Công nói.

Như đã thông tin, từ cuối năm 2021, xã Khánh Lộc cho phép các ấp gắn tấm biển với nội dung: “Nghiêm cấm người dân của ấp khác vào địa bàn ấp Vườn Tre đánh bắt cá, chỉ người dân trong ấp mới được đánh bắt cá trên sông thuộc phạm vi của ấp. Nếu người dân nào vi phạm sẽ bị lập biên bản xử lý theo nội quy của quy ước”.

Tấm biển cũng chú thích rõ: “Trích nội quy trong quy ước được UBND huyện ban hành tại Quyết định 5681/QĐ ngày 1-10-2019”.

Theo ông Trần Tấn Công, từ nghiêm cấm chắc chắn không có trong quy ước đã được huyện phê duyệt. Việc này có sự nhầm lẫn khi trích dẫn bởi quy ước không có sự nghiêm cấm, chế tài. “Đó là một hệ thống các cách ứng xử ở địa phương, trên tinh thần tự nguyện, không có chế tài”. TRẦN VŨ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm