Từ vụ cắn đứt tai tình địch, ghen sao cho đúng luật?

(PLO)- Từ vụ người phụ nữ cắn đứt tai tình địch trong vụ đánh ghen, luật sư khuyên đừng để bản thân trở thành đối tượng chịu trách nhiệm pháp lý khi đang là nạn nhân được pháp luật bảo vệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những pha đánh ghen kinh hoàng tràn lan trên mạng xã hội hay thậm chí ngoài đời thực làm cho người xem, người chứng kiến phải hoảng sợ khi thấy những pha xé quần áo, cắt tóc, xát ớt vào vùng kín, đổ chất thải lên người, đánh hội đồng,… Gần đây nhất là vụ đánh ghen khiến cô gái bị cắn đứt một phần tai.

Sự việc diễn ra vào chiều ngày 22-10, trên mạng xã hội xuất hiện một số đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người phụ nữ trèo lên chiếc xe ô tô rồi dùng chân đạp vỡ kính xe, sau đó mở cửa xe túm tóc và đánh một cô gái (được cho là nhân tình của chồng). Nhiều người chứng kiến sự việc đã chạy tới can ngăn. Hậu quả là cô gái ngồi trong ôtô đã bị cắn mất một phần tai bên trái. Người phụ nữ sau đó đã đến công an huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa trình diện.

Coi chừng lãnh hậu quả pháp lý từ hành vi đánh ghen

Đánh ghen do ghen tuông, mất bình tĩnh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà không giải quyết được vấn đề.

“Đánh ghen” luôn là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Hành vi đánh ghen xảy ra theo chiều hướng tiêu cực làm cho nạn nhân trong câu chuyện ngoại tình lại biến thành người vi phạm pháp luật khi không thể kìm chế cảm xúc và cơn thịnh nộ của bản thân.

Người phụ nữ đạp vỡ kính xe ô tô được người đi đường quay lại. Ảnh cắt từ clip

Người phụ nữ đạp vỡ kính xe ô tô được người đi đường quay lại. Ảnh cắt từ clip

Trao đổi với PLO, luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết những kiểu đánh ghen như thế là không đúng với pháp luật, tuỳ vào mức độ mà có thể bị pháp luật chế tài về hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi của người phụ nữ trên, luật sư Trịnh Công Minh đánh giá có thể người phụ nữ này sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành vi sau:

Thứ nhất là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, nếu đây không phải xe của hai vợ chồng mà là ô tô của người khác và người đó yêu cầu giám định giá trị tài sản thiệt hại của chiếc xe, nếu giá trị tài sản thiệt hại dưới 2 triệu đồng, sẽ bị xử phạt 3 - 5 triệu đồng về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức (theo khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021).

Trường hợp giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp đặc biệt theo luật định và chủ xe có đơn trình báo, người phụ nữ sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng trở lên.

Thứ hai là hành vi cố ý gây thương tích. Kết quả giám định tỷ lệ thương tật sẽ là căn cứ để xác định chế tài hành chính hoặc hình sự. Nếu bị xử lý hành chính, người phụ nữ sẽ bị phạt tiền 5 - 8 triệu đồng theo khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021. Còn nếu xử lý hình sự sẽ căn cứ theo Điều 134, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 mà đưa ra mức phạt, có thể sẽ bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng trở lên.

Thứ ba là hành vi gây rối trật tự nơi công cộng. Người đánh ghen nơi công cộng có thể còn bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 7 Nghị định 144/2021 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mức phạt tiền lên đến 8 triệu đồng khi bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù đến 7 năm khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Gen sao cho đúng luật?

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ về nghĩa vụ giữa vợ và chồng trong hôn nhân. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề ngoại tình pháp luật cũng đã có những chế tài với hành vi vi phạm, cụ thể tại Điều 59 Nghị định 82/2020 quy định, người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ,... sẽ bị phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng.

Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 1 năm theo Điều 182 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Chính vì thế, nạn nhân đừng bao giờ để cơn ghen dẫn dắt đến những hành động dại dột như đánh tình địch, thuê người đánh tình địch... Khi vợ hoặc chồng ngoại tình mà không thể hòa giải hay hàn gắn được, nạn nhân có thể thu thập được chứng cứ chính xác chứng minh quan hệ ngoại tình của vợ hoặc chồng với tình nhân để khởi kiện đối phương. Từ đó có cơ sở tố cáo đến các cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hậu quả gây ra do hành vi ngoại tình mà đối phương có thể bị xử lý theo mức phạt tương ứng. Trong một số trường hợp, nạn nhân có thể được hưởng lợi khi chia tài sản chung. Bởi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là một trong các yếu tố được xem xét để chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm