Từ vụ của Nam Em: Trường hợp nào triệu tập, khi nào mời làm việc

(PLO)- Bạn trai của Nam Em khẳng định, Nam Em được nhận giấy mời chứ không phải giấy triệu tập.

Chiều 28-2, Sở TT&TT TP.HCM cho biết đã mời Hoa khôi Nam Em (tức bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em) lên làm việc về hoạt động cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội.

Tuy nhiên, trên đường đến Sở TT&TT làm việc theo giấy mời thì Hoa khôi Nam Em có dấu hiệu sức khỏe không ổn định nên đã nhập viện cấp cứu.

Tối ngày 28-2, ông Bùi Hữu Cường là người đại diện của Nam Em cũng là bạn trai của cô đã có những chia sẻ chính thức trên trang cá nhân của Nam Em.

Ông Cường thông tin trên trang facebook trong lúc di chuyển, Nam Em bất ngờ khó thở do dị ứng với thuốc giảm đau và phải nhập viện gấp.

Đồng thời ông Cường cũng khẳng định: “Tôi cũng xin đính chính thông tin Nam Em được nhận giấy mời chứ không phải là giấy triệu tập vì thế tôi mong các bạn nhìn ở góc độ khách quan”.

Trước sự việc trên, một số bạn đọc cũng thắc mắc, giấy triệu tập và thư mời làm việc sẽ được áp dụng trong những trường hợp nào?

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Về bản chất, giấy triệu tập và giấy mời hoàn toàn khác nhau.

Giấy triệu tập thường được các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sử dụng trong trường hợp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc Tòa án thụ lý giải quyết các vụ việc, vụ án…

Cụ thể, Thông tư 01/2006/TT-BCA quy định giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng.

Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm đã quy định.

Bên cạnh đó, Điều 22 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Tòa án có trách nhiệm tống đạt, chuyển giao, thông báo bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

LS Sơn lưu ý: khi cơ quan tiến hành tố tụng gửi giấy triệu tập thì người được triệu tập phải có nghĩa vụ chấp hành, đối với một số đối tượng như: Bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng… mà không chấp hành giấy triệu tập thì có thể bị áp giải, dẫn giải.

Các cơ quan hành chính nhà nước cũng như cơ quan tiến hành tố tụng khi chưa khởi tố vụ án hình sự thường sử dụng Giấy mời trong trường hợp muốn mời những người có liên quan hoặc biết thông tin về vụ việc đến nhằm thu thập, xác minh thông tin, làm rõ vụ việc / vụ án.

“Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được giấy mời thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu”- LS Sơn cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới