Từ vụ luật sư Trần Vũ Hải: Mổ xẻ tội trốn thuế

Ngày 2-7 vừa qua, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố luật sư (LS) Trần Vũ Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) cùng vợ và hai người nữa về tội trốn thuế theo Điều 161 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCMcho biết vợ chồng ông Hải được xác định có dấu hiệu phạm tội trên do đã ký giấy tờ mua bán nhà, đất giá thấp hơn giá giao dịch thực tế cả chục lần nhằm giúp người bán trốn thuế với số tiền 276 triệu đồng.

Thông tin này khiến nhiều người khá bất ngờ bởi lẽ từ trước đến giờ có rất nhiều người mua bán nhà, đất thực hiện hành vi tương tự bốn bị can nêu trên nhưng hiếm có trường hợp bị truy cứu tội trốn thuế.

Khai thấp để đóng thuế thu nhập cá nhân ít

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho biết: Hiện nay, đa số hợp đồng mua bán nhà, đất đều khai giá thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế. Ví dụ, miếng đất đó được hai bên mua bán 5 tỉ đồng nhưng giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng ra công chứng chỉ là 1 tỉ đồng. Việc khai thấp như thế nhằm để người bán đóng thuế thấp hơn.

Ông Sơn nói rõ hơn: Trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản (BĐS), người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 2% tính trên giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng. Trường hợp giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì sẽ nộp thuế theo giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng. Phía người mua thì đóng lệ phí trước bạ nhà, đất là 0,5% tính trên bảng giá đất của UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm nộp lệ phí trước bạ. “Như vậy, trong việc khai thấp giá mua bán so với thực tế chuyển nhượng thì người bán thường được lợi hơn. Mặc dù vậy, khi phía người bán thỏa thuận với người mua khai giá trị chuyển nhượng thấp thì phần lớn người mua sẽ đồng ý vì ai cũng có tâm lý mua rồi sau này bán lại, khai giá thấp để các lần sau cũng được đóng thuế ít” - ông Sơn nói.

Nhiều công chứng viên (CCV) của các tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM có chung nhận định: Hầu hết khi mua bán nhà, đất thì bên bán luôn muốn né thuế và họ thường thỏa thuận với bên mua ghi giá chuyển nhượng ở mức thấp vừa đủ để họ nộp thuế thu nhập cá nhân theo giá của Nhà nước. Bên mua cũng thường chiều lòng bên bán ghi thấp vì ghi giá nào thì bên mua cũng chỉ nộp lệ phí trước bạ 0,5% theo giá Nhà nước.

Một LS thuộc Đoàn LS TP.HCM phân tích: Trong mua bán nhà, đất, hành vi khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp, nếu bị phát hiện thì thường được xác định là hành vi vi phạm hành chính. Theo Nghị định 129/2013 và Thông tư 166/2013 của Bộ Tài chính thì hành vi trốn thuế, gian lận thuế này bị phạt 1-3 lần số tiền trốn thuế, gian lận thuế (đối với tổ chức) và sẽ là 1/2 của mức phạt trên (đối với cá nhân).

Người dân đang làm thủ tục giao dịch tại một tổ chức hành nghề công chứng. Ảnh: KP 

“Có thể Công an Khánh Hòa đã điều tra được gì khác”

Riêng về tội trốn thuế thì có cách xác định khác hơn. ThS Trần Thanh Thảo (ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Theo điều luật nêu trên, tội trốn thuế áp dụng đối với người nào trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị kết án về tội này…, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Mức phạt của tội này là phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Hành vi khách quan của tội trốn thuế là hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ bắt buộc mà pháp luật quy định về việc đóng thuế. Thông thường, người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp bằng cách thực hiện các hành vi theo quy định của Điều 108 Luật Quản lý thuế. Đó là không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; hay không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán. Đó còn là sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn...

Vị LS nêu trên lưu ý: Đối chiếu với các quy định trên thì hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong mua, bán nhà, đất giữa các cá nhân với nhau chỉ có thể là “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp”. Tuy nhiên, việc kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất trong hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất được công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng mà các bên thỏa thuận không thể thuộc trường hợp này nên khó cấu thành tội trốn thuế. Lý do: Hợp đồng công chứng là chứng từ hợp pháp có hiệu lực ngay từ thời điểm CCV công chứng hợp đồng và đây là căn cứ để tính thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Vì thế, không thể cho rằng sử dụng hợp đồng công chứng là chứng từ, tài liệu không hợp pháp. Từ chỗ đó, hành vi cố ý khai sai để đóng thuế ít trong mua bán nhà, đất thường chỉ bị xử phạt hành chính chứ rất ít khi bị xử lý hình sự.

“Đối với trường hợp của LS Hải, rất có thể cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện được các bị can đã sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác nào đó để cùng nhau trốn thuế nên mới khởi tố về tội này. Cũng có thể trong quá trình điều tra, nếu phát hiện các bị can phạm tội khác phù hợp hơn thì cơ quan điều tra sẽ thay đổi tội danh” - LS này nêu ý kiến.

Cách thức để nước Pháp triệt giá nhà, đất ảo

Ở Pháp, khi hai bên mua bán chốt giá mua bán nhà, đất ví dụ là 3 tỉ đồng thì bên mua nộp số tiền này vào tài khoản của CCV. Bấy giờ CCV sẽ làm tất cả dịch vụ về thuế, phí, xây dựng… cho đến khi công chứng xong hợp đồng mua bán và sang tên cho chủ mới.

Nếu hai bên thỏa thuận chuyển tiền nhiều lần trong số tiền 3 tỉ đồng đó thì CCV sẽ thực hiện đúng theo thỏa thuận này.

Ông NGUYỄN TRÍ HÒAPhó Chủ tịch Hội CCV TP.HCM 

Vi phạm nhiều, xử lý rất ít

Liên quan đến việc khai giá thấp để đóng thuế ít, được biết Sở Tư pháp TP.HCM từng triển khai cho các tổ chức hành nghề công chứng phối hợp cung cấp dữ liệu công chứng cho Cục Thuế TP.HCM để chống thất thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS.

“Giải thích kỹ lưỡng về nghĩa vụ nộp thuế trung thực, đầy đủ nhưng hai bên mua, bán đã không nghe thì thôi lại còn phản ứng với chúng tôi!” - CCV của một tổ chức hành nghề công chứng nói.

Theo vị này thì CCV chỉ chứng nhận nội dung hợp đồng chứ không can thiệp vào giá cả hai bên thỏa thuận. Khi được giải thích, nhiều người mua, bán còn cho là CCV “nhiều chuyện”, CCV chỉ nên quan tâm việc công chứng, còn giá cả để họ tự quyết định.

“Chúng tôi luôn muốn hai bên ghi giá thật trên hợp đồng để tránh rủi ro (nếu có) về sau nhưng thường thì họ khai giá theo ý của hai bên mà mục đích là để giảm số tiền thuế” - CCV này nhìn nhận.

Điều đáng nói là việc khai thấp giá mua bán để né thuế được chính người trong cuộc thừa nhận công khai tại tòa án khi có tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất nhưng các tòa đều làm lơ việc này. Hầu hết các tòa đều công nhận giá mua bán thật mà các bên chứng minh được qua giấy biên nhận tiền hay chuyển tiền qua tài khoản thanh toán… và cũng không chuyển thông tin vi phạm đến các cơ quan thuế để thực hiện xử phạt hành chính.

Theo một CCV, lẽ ra tòa án phải truy thu cho Nhà nước số tiền thuế thất thu từ các vụ án đã xét xử. Một CCV khác thì cho rằng về chứng cứ thì tòa án phải lấy hợp đồng công chứng làm chứng cứ để xét xử tranh chấp liên quan đến khai man thuế. Ví dụ, giá nhà đất mua bán thực 1 tỉ đồng, các bên đi công chứng 500 triệu đồng, khi phát sinh tranh chấp thì tòa phải lấy hợp đồng công chứng 500 triệu đồng làm chứng cứ xét xử cho dù họ có biên nhận tiền là 1 tỉ đồng. Nếu tòa dựa vào giá ghi trong giấy mua bán giấy tay để công nhận giá này thì khác nào vô hiệu hóa hợp đồng công chứng. Vậy thì làm sao người dân biết sợ để không còn gian dối thuế?

Ý KIẾN

Ông NGUYỄN NAM BÌNH, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM:

TP.HCM sẽ có nghiệp vụ riêng để trị hành vi trốn thuế

Từ vụ luật sư Trần Vũ Hải: Mổ xẻ tội trốn thuế ảnh 2
Ông NGUYỄN NAM BÌNH

Về pháp lý, cơ quan thuế sẽ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ trong chuyển nhượng BĐS dựa trên giá đất, nhà tại bảng giá đất, bảng giá nhà do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai thuế, lệ phí trước bạ.

Thế nhưng thực tế chuyển nhượng BĐS nhiều năm qua cho thấy bên bán và bên mua đã bắt tay nhau nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ ở mức thấp nhất mà không để bị cho là vi phạm pháp luật. Họ đều khai giá nhà, đất chuyển nhượng không đúng với giá giao dịch thật sự, mức giá nhà, đất trong hợp đồng chuyển nhượng ra công chứng đều bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với bảng giá nhà đất Nhà nước quy định.

Thất thoát tiền thuế trong chuyển nhượng BĐS là rất lớn vì bảng giá nhà, đất mà UBND TP.HCM ban hành thấp hơn rất nhiều so với giá nhà, đất giao dịch trên thị trường, Vì thế mà sắp tới, Cục Thuế TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Tư pháp để có dữ liệu từ các tổ chức hành nghề công chứng nhằm xác định các giá trị thực tế của các giao dịch BĐS. Theo đó, cơ quan thuế sẽ có những nghiệp vụ riêng, tìm hiểu nhiều kênh để kiểm soát các giao dịch mua bán BĐS. Trường hợp phát hiện có vi phạm sẽ xử phạt hành chính, truy thu thuế.

Về nguyên tắc, người nộp thuế và người kê khai thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các giao dịch chuyển nhượng BĐS của mình để tránh rủi ro khi có tranh chấp xảy ra và không vi phạm quy định pháp luật. Nếu các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì không chỉ người bán, người mua bị xử phạt mà CCV cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Dù rằng trong thời gian qua TP.HCM chưa xử lý hình sự những vụ việc trốn thuế trong giao dịch mua bán BĐS nhưng tới đây, không chỉ cơ quan thuế xử phạt hành chính, truy thu thuế mà cơ quan công an cũng sẽ xem xét, điều tra để khởi tố tội trốn thuế.

QUANG HUY ghi

LS LÊ VĂN HOAN, Đoàn LS TP.HCM:

Vì sao khởi tố theo Bộ luật Hình sự cũ?

Từ vụ luật sư Trần Vũ Hải: Mổ xẻ tội trốn thuế ảnh 3
LS LÊ VĂN HOAN

Theo Điều 2 Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội thì tất cả điều khoản của BLHS năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018. Với quy định trên thì hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018 vẫn áp dụng BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 để làm căn cứ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.

Theo đó, tuy BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2008 nhưng trong vụ án của LS Trần Vũ Hải thì Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự căn cứ BLHS năm 1999 là do hành vi phạm tội (nếu có) đã xảy ra trước 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018.

            KIM PHỤNG ghi

_________________________

Trốn cả trăm triệu đồng tiền thuế là bình thường!

Một bản án của TAND quận Bình Tân ghi nhận người mua nhà khai đã ghi giá mua trong hợp đồng công chứng chỉ là 500 triệu đồng để giảm tiền thuế trong khi giá mua bán nhà thực là 2,2 tỉ đồng. Tòa này tuyên bên bán phải giao nhà cho bên mua và không nói gì đến chuyện gian lận thuế.

Một bản án khác của TAND quận Bình Thạnh ghi nhận: Bên bán kiện ra tòa đòi hủy hợp đồng công chứng vì mình sai khi bán 8 tỉ đồng mà ghi giá có 700 triệu đồng. Bên mua thì cho rằng việc ghi giá 700 triệu đồng là do bên bán yêu cầu để giảm thuế… Tòa cho rằng cả hai đã thừa nhận giá thật khi mua bán căn nhà là 8 tỉ đồng. Khi tuyên hợp đồng mà các bên đã được công chứng là vô hiệu, tòa cũng không đề cập gì đến việc hai bên khai man thuế.

Một vụ án ở TAND huyện Bình Chánh cũng ghi nhận lời khai của nguyên đơn như sau: Tuy thực tế giá mua bán là 7,8 tỉ đồng nhưng hai bên mua bán thỏa thuận chỉ ghi trên hợp đồng chuyển nhượng là 1,2 tỉ đồng. Với mức giá ghi trên hợp đồng như thế, nguyên đơn là bên bán chỉ nộp 24 triệu đồng thuế. Số thuế thực nộp này thấp hơn khoảng 6,5 lần so với số thuế lẽ ra bà phải đóng là hơn 156 triệu đồng. Tức bà đã tự giảm được cho mình hơn 100 triệu đồng tiền thuế.

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm