Từ vụ xe cứu hỏa: Quyền ưu tiên nhưng phải có giới hạn


Hiện trường vụ tai nạn

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm 18-3, phía Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc là thuộc quyền ưu tiên theo quy định, việc không cua vào làn khẩn cấp là do phía tay trái đang sửa chữa nên phải tránh...

Tuy vậy, vụ việc này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận. PLO trân trọng giới thiệu ý kiến của hai luật sư phân tích những khía cạnh pháp lý và thực tiễn xung quanh vụ việc này.

***

Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật:
Quyền ưu tiên phải có giới hạn và hướng dẫn cụ thể
Trong Luật Giao thông đường bộ và Luật Phòng cháy chữa cháy quy định rất rõ xe chữa cháy được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ.
Theo quy định của Điều 22 Luật Giao thông đường bộ thì những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
[…]
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Tại điểm a khoản 2 Điều 36 Luật Phòng cháy chữa cháy cũng quy định quyền ưu tiên tương tự của xe cứu hỏa:
Lực lượng, phương tiện của cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được sử dụng còi, đèn, cờ ưu tiên và tín hiệu đặc biệt khác; ưu tiên đi trên đường giao thông theo quy định của pháp luật.
[…]
Như vậy, theo quy định trên, xe cứu hỏa là xe được ưu tiên số một, bất kể trường hợp nào cũng phải ưu tiên nhường đường cho loại xe này. Xe cứu hỏa cũng có quyền đi ngược chiều trên cao tốc, ngược chiều trên đường ngược chiều, khi đi trên đường xe cứu hỏa trong trường hợp khẩn luôn được chạy ngược chiều nhưng phải bật đèn tín hiệu để các phương tiện khác thấy theo quy định hướng dẫn tại Nghị định 109/2009.
Trong vụ việc này, clip ghi lại cho thấy xe cứu hỏa đã bật đèn tín hiệu, như vậy nếu quy chiếu theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp này xe cứu hỏa đã thực hiện đầy đủ các quy định khi lưu thông, không có lỗi.
Trong khi đó, đối với xe khách trong sự việc trên, từ khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, xe khách phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không gây cản trở cho xe giao thông.
Tuy nhiên, phải xem tai nạn này là một tình huống đặc biệt. Khi xác định lỗi, cần phải xem xét sự việc một cách toàn diện, công bằng, khách quan.
Nếu đứng trên quan điểm xe khách có lỗi khi không quan sát, giảm tốc độ khi di chuyển qua nơi làn đường giao với điểm rẽ vào cao tốc, không nhường đường cho xe có quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên khi làm nhiệm là quá cứng nhắc và chưa xem xét toàn diện đến các yếu tố khách quan, bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, theo khoản 12 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì đường cao tốc là đường không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, không có đường cắt ngang qua đường cao tốc mà chỉ có khái niệm đường nhập/rẽ vào cao tốc. Trong khi theo tinh thần khoản 3 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ phải giảm tốc độ tối đa cho phép trong trường hợp qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức. Như vậy, nếu quy lỗi cho xe khách không quan sát, giảm tốc độ khi di chuyển qua nơi có làn đường giao với điểm rẽ vào cao tốc là không đúng, vì đoạn đường có đường nhập/rẽ vào cao tốc này được coi là nơi không giao nhau cùng mức.
Thứ hai, quan sát lại clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn, sự xuất hiện của xe cứu hỏa là rất đột ngột, với tốc độ cao, trong điều kiện trời mưa, mặt được trơn trượt, việc chiếc xe khách không thể xử lý được dẫn đến va chạm là điều không thể tránh khỏi.
Hơn nữa, khi tham gia giao thông trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, với vận tốc tối đa cho phép là 100 km/giờ thì các phương tiện phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu với nhau là 70 m theo Điều 12 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT. Trường hợp trời mưa, mặt đường trơn trượt thì phương tiện tham gia giao thông còn phải điều chỉnh một khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn nêu trên.
Cụ thể hơn, với tốc độ 100 km/giờ tức khoảng 28 m/giây thì với khoảng cách 70 m cho phép luật cho phép phát hiện đối tượng phía trước trong khoảng thời gian chưa đến 3 giây. Đó là với vật cố định. Trường hợp này, xe cứu hỏa đang chạy ngược chiều, tức vận tốc hai xe ngược chiều nhau đã vượt qua tốc độ 100 km, tức khoảng cách phát hiện và xử lý theo luật đã giảm xuống, thời gian còn rút ngắn hơn 3 s. Vì vậy việc phát hiện ra xe đang di chuyển ngược lại là điều rất khó khăn.
Luật đã quy định với khoảng cách an toàn như vậy để các phương tiện giao thông xử lý tình huống thì có thể hiểu trên đường cao tốc là đặc biệt. Cho dù xe cứu hỏa được quyền ưu tiên di chuyển đường ngược chiều khi làm nhiệm vụ nhưng cũng phải xét đến tính khách quan rằng trên đoạn đường cao tốc đó, tài xế xe khách không thể nhận tín hiệu và xử lý kịp thời khi gặp xe cứu hỏa có quyền ưu tiên di chuyển ngược chiều.
Ngược lại, khi xe cứu hỏa chọn phương án là chạy cắt ngang và ngược chiều trên đường cao tốc để làm nhiệm vụ thì cũng phải tính toán đến các yếu tố liên quan, phải hiểu được sự nguy hiểm khi quyết định lựa chọn phương án nêu trên.
Quyền ưu tiên nhưng phải có giới hạn và hướng dẫn cụ thể
Quyền ưu tiên không có giới hạn và không có hướng dẫn cụ thể, đây chính là bất cập liên quan đến quản lý, vận hành và khai thác đường cao tốc. Luật Giao thông đường bộ được soạn thảo và ban hành trong khoảng thời gian 2008, đây là thời điểm Việt Nam chưa có tuyến đường cao tốc nào, mà phải đến năm 2010 mới hoàn thành tuyến đường cao tốc đầu tiên.
Vì lý do đó, các quy định về vận hành, sử dụng đường cao tốc trong Luật Giao thông đường bộ chưa tiếp thu được những vấn đề thực tiễn, còn tồn tại, phát sinh nhiều điểm bất cập và đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc như trên.
Cho dù Luật giao thông đường bộ quy định xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều thì việc chạy ngược chiều trên đường cao tốc là quá nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả xe ưu tiên và các loại phương tiện khác khi tham gia. Khi cơ quan phòng cháy và chữa cháy nhận được tin báo về cháy nổ và điều động xe cứu hỏa di chuyển ngược chiều vào đường cao tốc thì ít nhất phải thông báo cho CSGT đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường đó hoặc Ban quản lý đường cao tốc để có những phương án chủ động kịp thời như cảnh báo các phương tiện, phân luồng giao thông nhằm giảm thiểu nguy hiểm cho các phương tiện tham gia.
Trong thời gian tới, Luật Giao thông đường bộ trong lĩnh vực quản lý và vận hành đường cao tốc cần phải có những điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong hơn tám năm sử dụng và khai thác đường cao tốc, nhằm tránh được những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra.

Không nên cho ưu tiên chạy ngược chiều trên cao tốc

Điều 26 Luật Giao thông đường bộ và Điều 12 Thông tư số 13/2009 của Bộ Giao thông vận tải quy định khi lưu thông vào đường cao tốc rất nghiêm như:

- Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;

- Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;

- Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;

- Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

- Người điều khiển phương tiện phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu: Khi mặt đường khô ráo, phương tiện lưu thông với tốc độ đến 60 km/giờ thì đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 30 m; tốc độ trên 60 km/giờ đến 80 km/giờ thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 50 m; tốc độ trên 80 km/giờ đến 100 km/giờ thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 m; tốc độ trên 100 km/giờ đến 120 km/giờ thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 90 m. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.

- Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

[...]

Từ những quy định khắt khe trên, mặc dù xe chữa cháy là xe uu tiên có thể đi vào đường cấm, ngược chiều... khi làm nhiệm vụ, tuy nhiên dù được ưu tiên như thế nào đi nữa thì vẫn phảm đảm bảo an toàn tính mạng của con người lên trên hết. Bởi đây là đường cao tốc, vận tốc xe tối đa 100-120 km/giờ, tai nạn thảm khốc rất dễ xảy ra nếu bất ngờ có xe ngược chiều xuất hiện.

Do đó, trong mọi trường hợp, các loại xe tuyệt đối phải tuân thủ điều kiện an toàn, không nên dùng quyền ưu tiên mà chạy ngược chiều trên đường cao tốc gây nguy hiểm cho chính mình và cho những người tham gia giao thông khác.

 

Luật sư Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới