Bị cáo Đinh Ngọc Thạch khá mệt mỏi tại phiên tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Không biết vì sao bị truy tố
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Thạch tỏ ra khá mệt mỏi và không hiểu hết các câu hỏi của chủ tọa.
Trả lời về quá trình gây ra vụ việc, bị cáo khai có biết việc chở hàng quá khổ là vi phạm giao thông, tuy nhiên do thời gian đã lâu nên không nhớ chiều dài của tấm tôn mà mình chở là bao nhiêu.
“Bị cáo dừng xe để vào một cửa hàng lấy hàng, khi quay ra thì nhìn thấy ba đứa trẻ, trong đó một cháu không chú ý nên bị va vào tôn. Bị cáo biết là đã sai phạm nhưng vì sức khỏe giảm yếu, hoàn cảnh khó khăn, rất mong được chủ tọa giúp đỡ” - ông Thạch nói.
Do sức khỏe không đảm bảo, bị cáo được ngồi tại chỗ để trả lời. Ảnh: TUYẾN PHAN
Khi được hỏi có biết vì sao bị truy tố hay không, bị cáo nói "Không". Thấy vậy chủ tọa phải giải thích hành vi điều khiển xe thô sơ chở hàng cồng kềnh khiến cháu bé tử vong là vi phạm quy định pháp luật.
Tương tự, vị chủ tọa hỏi hiện bị cáo có cảm thấy hối hận vì hành vi của mình không, ông Thạch trả lời nhiều lần nhưng vẫn không đúng trọng tâm. Phải đến khi người nhà phía dưới nhắc nhở, ông Thạch mới nói “Có!”.
Do sức khỏe không đảm bảo, chủ tọa đã cho phép bị cáo được ngồi để trả lời các câu hỏi.
Phần xét hỏi kết thúc khá nhanh chóng.
Đại diện VKS đề nghị cho bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hồi chuông cảnh tỉnh
Tại phần tranh luận, đại diện VKSND quận Hoàng Mai cho rằng bị cáo khi dừng xe đã không hề có cảnh báo, hơn thế, xe của bị cáo không được lưu thông lại chở hàng cồng kềnh, dẫn đến cháu bé bị va vào.
Tuy nhiên, trước sự ăn năn hối cải của bị cáo, gia đình bị hại có đơn xin giảm trách nhiệm hình sự, một phần lỗi cũng do cháu bé, gia đình bị cáo đã bồi thường 130 triệu đồng, là người từng có công cách mạng,… Đại diện VKS đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo 10-14 tháng án treo.
Trình bày quan điểm của mình, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng vụ việc đã gây đảo lộn cuộc sống của gia đình cháu bé, đồng thời là lời cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý các phương tiện giao thông bị cấm (xích lô).
Phiên xét xử kéo dài hơn ba giờ đồng hồ. Ảnh: TUYẾN PHAN
"Các cơ quan nhà nước cần quản lý nghiêm ngặt các loại phương tiện không được phép lưu thông, để giảm TNGT cũng như các vụ việc đau lòng tương tự" - luật sư nói.
Ngoài ra, vị này cũng bác bỏ quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo khi cho rằng lỗi phần lớn thuộc về cháu bé không quan sát và việc gia đình cho cháu bé điều khiển xe đạp khi còn quá nhỏ. “Không có quy định nào bao nhiêu tuổi mới được đi xe đạp” - người bảo vệ quyền lợi cho bị hại khẳng định.